Doanh nghiệp niêm yết khó vào Myanmar
Từ năm 2013, Dược Hậu Giang đã theo đuổi kế hoạch đầu tư lớn vào Myanmar khi được CTCP Dược phẩm Ánh Sao Việt (ASV) mời tham gia dự án của họ. DHG dự kiến bỏ ra 91,075 tỷ đồng mua 72% cổ phần của ASV Pharma Việt Nam, doanh nghiệp đang có giấy phép liên doanh với Công ty MEIG của Myanmar để đầu tư nhà máy ASV Pharma Myanmar.
Tuy nhiên, khi mọi thủ tục đang bước vào giai đoạn cuối cùng, qua tìm hiểu chi tiết, luật sư của DHG tại Myanmar cho biết, MEIG là công ty con của Zaykabar, hiện nằm trong danh sách những công ty vẫn còn đang bị Hoa Kỳ cấm vận. DHG còn được cảnh báo nhiều vấn đề rủi ro khác như dự án của ASV Pharma Myanmar phải xin thay đổi hoặc kéo dài hiệu lực giấy phép đầu tư do dự án đã kéo dài và thay đổi thành phần tham gia. Vấn đề vay ưu đãi đầu tư nước ngoài từ Ngân hàng BIDV, DHG cũng chưa có cơ sở để yên tâm về lãi suất ưu đãi, thời gian được ưu đãi. Trong khi đó, việc chuyển tiền lợi nhuận, cổ tức… về Việt Nam, hiện chưa có luật rõ ràng từ phía Myanmar.
Quyết định của Ban lãnh đạo DHG được đánh giá là bước đi thận trọng cần thiết. Bởi theo một thành viên của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar, rủi ro cấm vận là một trong những vấn đề các nhà đầu tư phải quan tâm hàng đầu. Nhiều nước phương Tây hiện đã dỡ bỏ lệnh cấm vận với Myanmar nhưng Mỹ và một số nước khác thì chưa. Nếu DN Việt Nam có quan hệ hợp tác với những DN nằm trong danh sách bị cấm vận của Mỹ, tài sản có thể bị phong tỏa trên thị trường quốc tế bất kỳ lúc nào.
Có mặt tại Myanmar đã gần 5 năm, Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà (SIMCO) đã vượt qua không ít khó khăn mới có thể đưa được những sản phẩm đầu tiên ra thị trường với Dự án khai thác mỏ đá trắng.
Ông Chu Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, Công ty có thuận lợi là một trong 2 DN (cùng với dự án Khu phức hợp BĐS của Hoàng Anh Gia Lai – PV) có dự án được ghi vào tuyên bố chung giữa hai nhà nước Việt Nam – Myanmar, bởi vậy, được các cơ quan, bộ ngành 2 nước ủng hộ và hỗ trợ rất nhiều mới triển khai dự án theo đúng kế hoạch như vậy.
Simco còn rất may mắn khi có nhiều người bạn Myanmar nhiệt tình giúp đỡ, trong đó có một luật sư và một kiểm toán viên nhà nước đã nghỉ hưu.
Để đầu tư sang đất nước chùa Vàng, ông Tuấn nhấn mạnh rằng, DN Việt Nam phải có thực lực, trong đó, yếu tố tài chính và hoạt động bài bản đóng vai trò quyết định.
Tại sao DN cần có “tiền tươi, thóc thật”? Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đầu tư vào những nước có đường biên giới chung với Việt Nam thì DN được phép thế chấp tài sản, dự án hình thành từ vốn vay. Song với những nước như Myanmar, DN vay vốn ngân hàng phải có tỷ lệ nhất định tiền vốn đối ứng.
Trong khi đó, tại Myanmar, không có chuyện DN được vừa làm vừa khất lần nghĩa vụ. Đúng ngày giờ quy định, DN không nộp thuế, sẽ bị gọi lên giải trình với Ủy ban đầu tư địa phương. Nếu không giải trình hoặc giải trình không được chấp nhận, chính quyền Myanmar sẽ thu hồi ngay giấy phép đầu tư và hủy bỏ dự án.
Còn tại sao DN phải hoạt động bài bản? Ông Tuấn lấy ví dụ với Simco, các sản phẩm đá khai thác tại đây đều được xuất khẩu. Chỉ riêng chuyện thu thuế xuất khẩu khoáng sản, Myanmar làm rất chặt chẽ.
Ông Tuấn kể, dựa trên khai báo của DN và thực tế thị trường, họ áp một mức giá đầu ra cho sản phẩm, và quy định luôn mức thuế phải nộp cho Nhà nước.
DN phải chuyển tiền nộp ngân sách luôn trước khi xuất hàng khỏi Myanmar chứ không được nợ thuế. Bởi quy định chặt chẽ như vậy, nên DN xuất khẩu cũng phải thực hiện các hợp đồng rất chặt chẽ, có chứng thư tín dụng đầy đủ, thanh toán trước, đảm bảo tiền về tài khoản của DN sẽ được trích luôn tiền thuế trước khi xuất hàng.
Ngoài SIMCO, một đại gia khác của Việt Nam là FPT đã mở chi nhánh tại Myanmar và đã có những hợp đồng đầu tiên. Tuy nhiên hành trình này không hề đơn giản. Theo lãnh đạo của tập đoàn này, khó nhất là nắm bắt và thông hiểu luật lệ tại Myanmar.
“Ở Việt Nam, 2 doanh nghiệp cho nhau vay tiền là chuyện bình thường, nhưng ở Myanmar chưa chắc đã được chấp nhận”, một lãnh đạo của FPT lấy ví dụ về sự khác nhau luật lệ giữa 2 nước.
Để hoạt động được tại Myanmar, FPT cũng may mắn có đối tác địa phương trợ giúp mọi vấn đề về luật lệ, phong tục, cũng như việc hỗ trợ xử lý các tình huống nảy sinh ngoài kế hoạch. Điều này đặc biệt quan trọng vì Myanmar rất coi trọng uy tín của những cá nhân, tổ chức trong nước khi bảo lãnh cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu không có sự đảm bảo của DN bản địa, FPT khó có thể giành được những hợp đồng đầu tiên tại Myanmar như thời gian qua.
Với 65 triệu dân, giàu tài nguyên thiên nhiên, Myanmar được coi như mỏ vàng chưa khai thác nên được rất nhiều DN Việt Nam quan tâm.
Đến nay, 23 DN Việt Nam thành lập công ty, văn phòng đại diện tại Myanmar, và 4 dự án của Việt Nam đã được cấp phép đầu tư tại nước này với tổng giá trị gần 600 triệu USD.
Trong đó, lớn nhất là dự án Tổ hợp khách sạn văn phòng nhà ở cao cấp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, với tổng vốn đầu tư lên tới 440 triệu USD. Hiện tập đoàn này đang xúc tiến các thủ tục huy động vốn tại Việt Nam để đầu tư cho dự án. Tuy nhiên, như chia sẻ của những DN đã bước chân vào thị trường này, mảnh đất chùa Vàng không hề dễ dàng kiếm lợi nhuận, nhất là với những DN chỉ coi đầu tư là bài toán ngắn hạn và “bánh mồi” các cổ đông.
Nguồn Đầu tư chứng khoán