Theo thống kê trong 15 năm (2005-2019), tỉ lệ giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp tư nhân so với GDP chỉ tăng 1,2% (từ 8,5% năm 2005 lên 9,7% năm 2019). Ảnh: Thiên Ân

 
Phạm Việt Anh Thứ Hai | 04/01/2021 14:00

Doanh nghiệp nhỏ và vừa trước "bẫy li ti hóa”

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có thể rơi vào bẫy “li ti hóa” nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời.

Doanh nghiệp nhỏ Việt Nam ngày càng yếu. Hiện các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 93,7% trong tổng số doanh nghiệp, nhưng tổng lợi nhuận trước thuế trong cả giai đoạn 2011-2018 luôn âm. Theo thống kê trong 15 năm (2005-2019), tỉ lệ giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp tư nhân so với GDP chỉ tăng 1,2% (từ 8,5% năm 2005 lên 9,7% năm 2019).

 

Có nghiên cứu cho rằng, năng suất lao động bình quân của nhóm này chỉ tương đương với doanh nghiệp nhà nước. Tổng nguồn vốn của khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chỉ chiếm khoảng 22% tổng số vốn của toàn bộ khối doanh nghiệp. Tỉ lệ này hầu như không thay đổi trong cả giai đoạn 2011-2019, cho thấy doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gặp khó khăn trong tích lũy và tiếp cận vốn. Cơ cấu doanh nghiệp ở những quốc gia thu nhập thấp cho thấy sự thiếu vắng một thị trường cung cấp vốn cho khối doanh nghiệp SME.

Vốn ở những nơi này chảy vào phân khúc thấp - đại trà là hộ kinh doanh cá thể qua mô hình tài chính vi mô và tín dụng ngân hàng cho những doanh nghiệp lớn ở phân khúc cao - số ít. Doanh nghiệp SME ở giữa không thể phát triển do thiếu vốn, làm đứt gãy rường cột kinh tế của xã hội, dẫn đến hệ quả là thất nghiệp cao, doanh thu thuế thấp là nguyên nhân chính của đói nghèo, lạc hậu và lệ thuộc vào viện trợ quốc tế đi cùng với chế độ độc tài.

 

Vốn là chìa khóa: Vốn tài chính và vốn nhân lực. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không thể cất cánh nếu không tiếp cận được vốn. Doanh nghiệp SME chưa có điều kiện phát hành chứng khoán nợ thì kênh tín dụng ngân hàng vẫn là chủ lực. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng không có tài sản bảo đảm để được vay và như vậy là nhóm cho vay có nhiều rủi ro hơn dưới các tiêu chí quản trị rủi ro tín dụng của khối ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng lớn. Đây là bài toán nan giải. Khuyến nghị cho việc giải bài toán này như sau:

1. Phát triển thị trường vốn:

Tăng trưởng kinh tế trong dài hạn phụ thuộc vào 3 yếu tố lao động, vốn và công nghệ. Phải có thị trường vốn đầu tư mạo hiểm phát triển mới có thể thúc đẩy hoạt động sáng tạo đổi mới, phát triển thị trường mua bán bằng phát minh sáng chế, R&D... Càng không phải đến từ nguồn vốn tài trợ của Nhà nước.

2. Điều tiết vốn tín dụng hiệu quả:

Không có vốn để phát triển và có vốn được chảy sai chỗ thì cũng dở như nhau. Nhìn về lâu dài, điều nguy hiểm nhất hủy diệt cạnh tranh lành mạnh chính là sự khống chế nguồn vốn của các nhóm lợi ích thông qua hệ thống ngân hàng và công nghiệp. Dưới một hệ thống tiền tệ như vậy, việc các nguồn lực từ ngân hàng tăng hay giảm đều không quá quan trọng, khi các nguồn lực này vẫn bị khống chế bởi một nhóm nhỏ...

3. Cải cách ngành ngân hàng theo hướng đa dạng về quy mô:

Hệ thống ngân hàng cần có thêm những ngân hàng vừa và nhỏ (ngân hàng địa phương) để phục vụ các SME và doanh nghiệp siêu nhỏ. Do là ngân hàng nhỏ nên tính thấu hiểu doanh nghiệp địa phương sẽ cao và như vậy, sản phẩm sẽ linh hoạt, hiệu quả hơn, phù hợp với mục tiêu phát triển bao trùm.

4. Cung cấp thông tin:

Vai trò chính của chính phủ là định hướng thị trường, xác lập các lợi thế so sánh của quốc gia, hỗ trợ chính sách và cung cấp thông tin cho nền kinh tế. Khi chính phủ có thể cung cấp thông tin chất lượng và kịp thời cho nền kinh tế, các doanh nghiệp SME, startup và người dân mới có thể phát triển thuận lợi hơn nhờ giá trị của thông tin được chia sẻ. Như vậy, mới có thể tạo dựng cơ hội bình đẳng cho mọi người, xóa bỏ tình trạng bất đối xứng thông tin thị trường.

5. Nâng cấp nguồn vốn con người:

Việc cải thiện nguồn vốn con người phải tương xứng với tích lũy nguồn vốn vật chất và nâng cấp công nghiệp của nền kinh tế, cũng như giải quyết được bài toán nguồn vốn cho tăng trưởng, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Việc nâng cấp nguồn nhân lực phải đi trước nhu cầu đổi mới kỹ thuật, kinh doanh trong dài hạn. Ngoài ra, tín dụng cho giáo dục là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho thanh niên mọi tầng lớp có thể tiếp cận tri thức mới. Chính sách nên ưu tiên nâng cao đào tạo nghề, hướng tới việc sở hữu được một lực lượng lao động giỏi thực hành, chuyên nghiệp trong các ngành nghề có tính tương lai.

Nếu không có một hệ thống cung ứng vốn thích hợp và hiệu quả cho mỗi giai đoạn phát triển của nền kinh tế, nguy cơ cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam sẽ thụt lùi, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững là có thật. Đó sẽ là một khoảng cách lớn về phát triển, do thiếu vắng một tầng lớp trung lưu bền vững và những doanh nghiệp cỡ vừa năng động, sáng tạo chiếm tỉ trọng lớn, là hai rường cột chắc chắn cho phát triển kinh tế.

Ảnh: Quý Hoà
Ảnh: Quý Hoà

Việc làm ổn định là lưới an sinh xã hội bền vững nhất. Việt Nam với lực lượng lao động trẻ có khả năng học hỏi nhanh chắc chắn sẽ đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, nhưng trước hết phải bằng việc gia tăng năng suất thông qua yếu tố con người.

Để phát triển, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần có cơ hội được tiếp cận với các mạng lưới thị trường tự do trên thế giới dưới sự bảo trợ của Nhà nước, cơ hội tiếp cận được nguồn tín dụng thuận lợi cũng như một hệ thống pháp luật công chính, một nền hành chính công hiệu quả, góp phần gia tăng năng suất của nền kinh tế, phát triển thị trường thương mại phát minh, sáng chế…

Chẳng cần phép màu, chỉ cần được vậy là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mới có thể phát triển nhanh hơn, trở thành những doanh nghiệp cỡ vừa có tính cạnh tranh cao trước khi vươn mình trở thành những tập đoàn kinh tế hùng mạnh tiến ra thế giới. Rwanda tất nhiên là không so sánh được với một Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực nhờ vào độ mở thương mại lớn với thế giới và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Việt Nam cũng có chất lượng thể chế tốt hơn dẫu còn nhiều trở lực cho phát triển. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vẫn theo chiều rộng và dựa vào tăng cường vốn, vẫn thiếu chiều sâu... Như vậy, không có những thay đổi tích cực, nền kinh tế Việt Nam khó có thể thoát được bẫy thu nhập trung bình nếu thất bại trong việc phát triển được những doanh nghiệp SME năng động và sáng tạo, giàu tính cạnh tranh.