Có thêm 22 doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam là điểm đến. Ảnh:TL
Doanh nghiệp Nhật tiếp tục rời Trung Quốc sang Việt Nam
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Yamada Takio chia sẻ tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật chiều 21.12, có thêm 22 doanh nghiệp nước này thuộc chương trình hỗ trợ đa dạng hoá chuỗi cung ứng của chính phủ, chọn Việt Nam là điểm đến.
Theo ông Takio "Việt Nam đang đứng đầu các địa điểm khi doanh nghiệp Nhật thúc đẩy đa dạng chuỗi cung ứng". Từ đầu năm đến nay có 37/81 doanh nghiệp Nhật tham gia chương trình muốn đầu tư vào Việt Nam. Thái Lan hiện là nước xếp thứ 2 khi được 19 doanh nghiệp chọn.
Theo ông Takio, Việt Nam đã khống chế dịch thành công và là một trong số ít những nền kinh tế có tăng trưởng dương trong năm 2020, ước khoảng 2,48%. Trong 11 tháng năm nay, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 489 tỉ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. "Trên thế giới, duy nhất Việt Nam đạt được thành công lớn như vậy", ông Takio chia sẻ. Cũng theo Đại sứ Nhật, chính phủ nước này đang "dồn sức" giúp doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam, cụ thể là gói hỗ trợ 2,3 tỉ USD của chương trình hỗ trợ đa dạng hoá chuỗi cung ứng.
Tháng 7, vừa qua Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật (Jetro) Hà Nội xác nhận, 15/30 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí trong dự án đa dạng chuỗi cung ứng sang ASEAN, chọn đến Việt Nam. Đa số công ty được trợ cấp để sang Việt Nam thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp sản xuất liên quan đến chất bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hòa hay module điện...
Nhật đã đẩy mạnh đáng kể chương trình khuyến khích doanh nghiệp xây dựng cơ sở ở Đông Nam Á nhằm đa dạng chuỗi cung ứng vốn. Ảnh: TL. |
Trong danh sách này, Tập đoàn Hoya sản xuất linh kiện ổ cứng dự kiến di dời hoạt động sản xuất Trung Quốc sang Việt Nam và Lào. Theo công bố của Jetro, số tiền trợ cấp dao động 100 triệu đến 5 tỉ yen, bù đắp một phần chi phí cần thiết để mua sắm và lắp đặt máy móc, thiết bị cho việc mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên Nhật còn vướng nhiều yếu tố khi đầu tư
Theo Tổng Giám đốc Aeon Mall Việt Nam, ông Nakagawa Tetsuyuki, những dự án của họ tại Việt Nam thường tốn nhiều thời gian làm thủ tục. Có dự án đã phải đợi hơn 1 năm để nhận được giấy đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với những dự án thuộc thẩm quyền cấp phép của Thủ tướng, thời gian còn lâu hơn, ông Tetsuyuki, chia sẻ.
Chia sẻ từ ông Hatakiyama Yuki, Phó tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nipro Việt Nam, chuyên sản xuất thiết bị y tế cũng, chia sẻ: Nipro từng mất 1 năm chờ đợi lấy giấy đăng ký đầu tư và quyền sử dụng đất. Doanh nghiệp kiến nghị cần rút ngắn quy trình, đẩy nhanh các thủ tục hành chính - điều mà theo lãnh đạo Aeon Mall, sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam.
Việt Nam đứng đầu các địa điểm chuyển dịch sản xuất trong mắt doanh nghiệp Nhật nhưng môi trường đầu tư Việt Nam còn nhiều vướng mắc. Ảnh: TL. |
Thuế cũng là một vấn để được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ông Marukawa Yoichi, Tổng Giám đốc Panasonic Việt Nam, cho biết thủ tục hoàn VAT cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế tạo còn phức tạp và chậm. Đơn cử trường hợp doanh nghiệp sản xuất mang hàng đi xuất khẩu nhưng không làm được thủ tục hoàn thuế. Panasonic đang thúc đẩy mạnh việc chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các nhà máy của doanh nghiệp tại Việt Nam không chỉ sản xuất phục vụ thị trường bản địa mà còn nhắm xuất khẩu, theo ông Yoichi.
Ông Hiroyuki Ishige, Giám đốc Tài chính Công ty Hoya Glass Disk Việt Nam 2 dẫn ra bất cập trong chính sách ưu đãi thuế. Hiện Cục Thuế tỉnh Hưng Yên, nơi Hoya đóng trụ sở, không công nhận ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà họ cho rằng mình được hưởng theo giấy phép đầu tư. Ngoài ra, ông Ishige ước tính, trong vòng 10 năm tới, số tiền thuế này sẽ lên đến 50 triệu USD. Công ty mẹ Hoya cũng là một trong số các doanh nghiệp chọn Việt Nam là điểm đến mở rộng sản xuất theo chương trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng của chính phủ Nhật.
Chia sẻ về vấn đề ưu đãi thuế, ông Nobukazu Aoki, Giám đốc cấp cao marketing Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã tranh cãi vấn đề này cho nhà máy Cần Thơ từ năm 2008. Suntory Pepsico đang bị đề xuất truy thu thuế ở nhà máy này. Vụ việc đã được trình lên toà án và trong quá trình tạm hoãn xét xử. Phía doanh nghiệp hy vọng sớm được giải quyết.
Có thể bạn quan tâm: