Thứ Bảy | 29/11/2014 10:55

Doanh nghiệp Nhật than phiền

Tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp Nhật Bản và UBND TP.HCM hôm qua 28.11, nhiều ý kiến phàn nàn không những bị thuế hành, mà còn bị hải quan nhũng nhiễu.

Sự than phiền liên quan đến nhiều chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan
Sự than phiền liên quan đến nhiều chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan - Ảnh: D.Đ.M

Quy định 3 ngày, giải quyết 2 tháng

Ông Funamoto Futoshi, phụ trách các vấn đề về thuế của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại TP.HCM (JBAH), bức xúc - theo quy định của Kho bạc Nhà nước, khi có lệnh hoàn trả của cơ quan thuế, kho bạc thực hiện hoàn trả bằng chuyển khoản trong vòng 3 ngày làm việc. Nhưng với lý do quỹ hoàn thuế không đủ, nên phải mất hơn 2 tháng mới hoàn tiền cho DN. Chưa hết, dù xin được hoàn thuế VAT, nhưng cơ quan thuế lại yêu cầu cung cấp những vấn đề không liên quan tới VAT như quyết toán kê khai CIT (thuế thu nhập DN) khiến cho thủ tục hoàn thuế VAT bị đình trệ. Đại diện JBAH cũng phàn nàn rằng, dù DN đã nộp các giấy tờ xin hoàn thuế VAT nhưng cục thuế hoặc cán bộ thuế phụ trách rất hay bận việc, nên mãi không chuyển sang thủ tục tiếp theo.

 
 

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết đến nay đã có 12/12 chi cục hải quan ở TP.HCM thực hiện thông quan hàng hóa tự động trên phần mềm do chính phủ Nhật Bản hỗ trợ. Ngoài ra, đã có 70% hàng hóa thông quan bằng luồng xanh chỉ mất 3 phút và trong vòng 4 giờ đồng hồ sẽ thông quan; 20% hàng hóa được kiểm tra hồ sơ và khoảng 10% kiểm tra hàng hóa trực tiếp. Như vậy, 70% hàng hóa luồng xanh nói trên, DN không làm việc trực tiếp với cán bộ hải quan và nếu tỷ lệ kiểm tra hàng hóa luồng xanh càng cao, mức độ nhũng nhiễu sẽ thấp.

 

Thậm chí, có cán bộ thuế hiểu luật theo cách riêng của mình. Ông Funamoto Futoshi cho biết cán bộ Cục Thuế TP.HCM hướng dẫn rằng đối với chi phí khách sạn khi đi công tác, số tiền lớn hơn 700.000 đồng/ngày tại khu vực nội thành bị tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, khi hỏi ý kiến các nơi, ông mới biết được quy định này không tồn tại. Theo quy định, nếu chi phí đi lại, khách sạn khi đi công tác có hóa đơn đầy đủ hợp lệ thì không bị đánh thuế này. Thế nhưng, khi DN trưng ra chứng từ hợp lệ, thì cán bộ thanh tra không cần quan tâm và đưa ra những nhận xét “chuyên quyền” không hề có trong quy định của pháp luật.

Chi phí không chính thức và trật tự xã hội

Ông Emura Yasuhisa, phụ trách các vấn đề về hải quan của JBAH, than phiền khi DN làm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu phải trả nhiều chi phí không chính thức theo yêu cầu từ cán bộ hải quan. Đây là vấn đề mà theo JBAH đã tồn tại từ lâu nhưng đến nay không được khắc phục. Phía DN Nhật Bản “xin” hải quan hãy tích cực định kỳ kiểm tra trong nội bộ ngành, có những biện pháp xử phạt nghiêm đối với những người có yêu cầu hối lộ và xử lý triệt để tình trạng chi phí không chính thức này. Qua đó, ông Emura Yasuhisa cũng đề nghị Cục Hải quan TP.HCM cho biết kết quả xử lý bằng con số cụ thể, đồng thời kêu gọi DN “tố” nhũng nhiễu qua đường dây nóng.

Bên cạnh đó, vấn đề an ninh trật tự, an toàn giao thông cũng được DN Nhật Bản nêu ra tại buổi đối thoại. Ông Seki Kunihiko, phụ trách môi trường kinh doanh của JBAH, quan ngại việc xử lý tình trạng người nước ngoài bị móc túi, cướp giật của cơ quan chức năng ở TP.HCM còn chậm chạp, nhiều khi người nước ngoài không biết phải thông báo sự cố cho ai. Người phụ trách đường dây nóng thì trình độ tiếng Anh hạn chế, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn hiện tượng taxi không trung thực, rồi mất cắp đồ đạc trong hành lý ký gửi…

Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Nakajima Satoshi cho biết hiện nay có 6.800 người Nhật sinh sống ở TP.HCM trong tổng số 7.300 người Nhật ở các tỉnh phía nam, hằng năm có 300.000 du khách Nhật đến thành phố lớn nhất nước này. Thế nhưng, thành phố này có quá nhiều điều khiến người Nhật lo lắng. “Hiện có nhiều nền kinh tế khác trong khu vực trỗi dậy, như Myanmar rất được nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm. Vì thế, VN cần thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư để thu hút nhà đầu tư mới và giữ chân nhà đầu tư cũ”, ông Nakajima Satoshi khuyến cáo.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ủng hộ việc Cục Hải quan TP.HCM thành lập đường dây nóng đặt ở Trung tâm xúc tiến đầu tư TP.HCM (ITPC) để tiếp nhận thông tin và giám sát kết quả thực hiện. Đường dây nóng dành cho DN nước ngoài này có thể mở rộng cho nhiều ngành khác, như thuế, an ninh trật tự, an toàn giao thông... Ông Hà cho rằng số điện thoại đường dây nóng không nên quá nhiều số, gây khó nhớ, mà phải ngắn gọn, có thể chỉ 3 chữ số. Theo ông, các DN cần phải cung cấp danh tính và hành vi nhũng nhiễu của cán bộ hải quan cho cơ quan chức năng có thẩm quyền, để có cơ sở xử lý.

Ngày 28.11, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng một số DN nước này có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam bộ để tìm thông tin đầu tư vào ĐBSCL. Ông Kikuchi Tadashi, đại diện đoàn JICA, cho biết nhiều DN Nhật Bản đang quan tâm đến các lĩnh vực thế mạnh của ĐBSCL như nông nghiệp, thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao... Phía JICA mong muốn cùng BCĐ làm đầu mối liên lạc cũng như hỗ trợ để DN Nhật Bản triển khai các dự án đầu tư tại ĐBSCL. Trước mắt, JICA đề nghị BCĐ Tây Nam bộ in một cuốn tài liệu giới thiệu về các tỉnh, thành ĐBSCL để các DN Nhật Bản tìm hiểu. Ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng BCĐ thống nhất với đề nghị của JICA và cam kết tạo mọi điều kiện để DN Nhật Bản đến đầu tư tại ĐBSCL. 

Nguồn Thanh niên