Doanh nghiệp Nhật “phất” ở Việt Nam
Mới đây, tập đoàn năng lượng JX Nippon Oil & Energy của Nhật công bố sẽ mua lại 10% cổ phần của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với số tiền 177 triệu USD. Trước đó, tập đoàn bán lẻ Aeon cũng đến từ Nhật cho biết sẽ đầu tư 200 triệu USD để xây dựng một đại siêu thị mới ở Hà Nội, sau khi số tiền tương đương vừa được chi ra cho dự án Aeon Mall Long Biên cách đây không lâu. Những thương vụ này liệu có “mở hàng” cho một năm Việt Nam đón sóng đầu tư mới từ Nhật?
Nhìn lại năm vừa qua, Việt Nam vẫn là điểm đến được doanh nghiệp Nhật lựa chọn. Năm 2015 nước này đã đầu tư 1,842 tỉ USD cho 456 dự án chế tạo và phi chế tạo (đứng thứ 3 về tổng số vốn đầu tư và thứ 2 về số dự án). Trong đó, 69,7% là vốn cấp phép cho các dự án mới, còn lại dành cho các dự án tăng vốn, mở rộng kinh doanh.
Trong nhóm ngành nghề phi chế tạo, các ngành nông nghiệp, bán lẻ, bất động sản… đều ghi nhận nhiều dự án nổi bật trong năm qua. Ở lĩnh vực bất động sản, nghiên cứu gần đây của CBRE Việt Nam cho thấy trong số các nhà đầu tư ngoại đang ráo riết tìm mua các dự án tiềm năng tại Việt Nam, tỉ lệ nhà đầu tư Nhật đứng đầu với 22%.
Đáng chú ý là thương vụ Creed Group đầu tư 200 triệu USD vào An Gia Group để mua lại 20% cổ phần của Công ty và góp 50% vốn cho các dự án nhà ở sắp xây dựng của doanh nghiệp này. Trước đó, Creed Group đã hâm nóng thị trường khi rót 27 triệu USD vào dự án City Garden và đầu tư 50% cho hai dự án NBB Garder II và NBB Garden III của Công ty Cổ phần Năm Bảy Bảy (NBB). Chủ tịch quỹ đầu tư Creed Group cho biết đây chỉ là khởi đầu cho việc đầu tư của Quỹ vào bất động sản Việt Nam nếu những thương vụ trên đem lại lợi nhuận.
Trong khi đó, Aeon cũng có nhiều tham vọng khi bước chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Với mục tiêu đạt doanh thu 18.000 tỉ đồng vào năm 2020, nhà bán lẻ này cho biết sẽ nhắm tới việc sở hữu 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, sao cho ở mỗi khu dân cư có 1 triệu dân, trong bán kính 15 phút chạy xe máy sẽ có 1 siêu thị Aeon. Tham vọng này của Aeon cũng là dễ hiểu khi thị trường bán lẻ của Việt Nam được dự báo sẽ ngày càng phình to, có thể đạt đến 100 tỉ USD vào năm nay, theo hãng nghiên cứu Đức Statista.
Còn trong lĩnh vực chế tạo, dệt may được xem là ngành hưởng lợi không ít khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU có hiệu lực vào năm 2018. Để có được những mảnh đất tốt, cách TP.HCM khoảng 50 km, nhiều doanh nghiệp Nhật đã đổ vốn đầu tư nhà máy ở các khu vực Long An, Bình Dương, Đồng Nai… khai thác từ sản xuất sợi tổng hợp, nguyên liệu phụ trợ, dệt nhuộm, sản xuất quần áo thành phẩm cho xuất khẩu. Tờ Nikkei của Nhật cho biết ngoài lợi thế về thuế, tay nghề kinh nghiệm của lao động Việt Nam trong lĩnh vực dệt may là lý do thứ hai để nhà đầu tư Nhật có niềm tin vào thị trường này.
Trong năm qua, tuy vốn đầu tư của Nhật vào Việt Nam giảm gần 18% so với năm 2014, nhưng dòng vốn này được dự báo sẽ ổn định và tăng lên trong năm nay. Theo phân tích của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (JETRO), xấp xỉ 60% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam kinh doanh có lãi và muốn mở rộng hoạt động. Tỉ lệ này khả quan hơn rất nhiều so với các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan (49%), Malaysia (44,6%) và đặc biệt là Trung Quốc (38,1%).
Trong năm 2015, vốn FDI của Nhật đầu tư vào Trung Quốc chỉ đạt 3,21tỉ USD, giảm 25% so với năm 2014. Sự rộng lớn của thị trường Trung Quốc đã khiến nước này có xu hướng trở thành một thị trường tiêu thụ hơn là một công xưởng sản xuất. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,9% trong năm 2015 cùng chi phí lao động tăng nhanh là những lý do khiến một số nhà đầu tư Nhật đã rút khỏi thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, bối cảnh đồng yen trên đà tăng giá và tốc độ già hóa của nền kinh tế Nhật đang trở thành mối đe dọa buộc các doanh nghiệp Nhật phải nhanh chóng đẩy vốn đầu tư sang những thị trường “trẻ” và năng động hơn.
Theo ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành JETRO tại TP.HCM, trong 15 quốc gia mà Nhật đang đầu tư, chi phí lao động của Việt Nam chỉ đứng thứ 3, đi cùng đó là tình hình chính trị ổn định và khả năng tăng trưởng thị trường cao đang giúp Việt Nam ngày càng trở nên đáng tin cậy hơn với các nhà đầu tư đến từ xứ sở mặt trời mọc.
Lan Anh