Thứ Ba | 28/05/2013 10:58

Doanh nghiệp Nhà nước trở thành gánh nặng đầu tư công

Chính phủ vẫn phải hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và không thể trả nợ ngay cả khi các doanh nghiệp này không thuộc diện bảo lãnh.
Theo báo cáo mới nhất từ Ủy ban kinh tế của Quốc Hội, tình trạng đầu tư công ở Việt Nam hiện nay lớn, dàn trải và không hiệu quả. Ở Việt Nam, đầu tư công bao gồm cả các dự án cho các mục đích kinh doanh thuần túy thực hiện qua khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Các DNNN đã nhận được nhiều sự ưu đãi của Chính phủ ở mọi góc độ từ tiếp cận tín dụng, đất đai, khai thác tài nguyên, tiếp cận thị trường, bảo hộ độc quyền,… tuy nhiên do sự mở rộng tràn lan cả về quy mô lẫn ngành nghề của các DNNN và sự thiếu minh bạch, chặt chẽ trong giám sát của Nhà nước đã dẫn đến các doanh nghiệp sa sút trầm trọng.

Cụ thể theo số liệu của Tổng cục thống kê, DNNN chiếm 40% tổng vốn đầu tư chỉ tạo ra khoảng 10% việc làm cho toàn xã hội, trong khi khu vực kinh tế ngoài Nhà nước với 35% tổng đầu tư đem lại 87% việc làm cho nền kinh tế. Theo số liệu từ MoF, dư nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh cho khu vực DNNN vào năm 2010 khoảng 4,6 tỷ USD, tương đương với 14,3% tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam.

Ngoài ra, Chính phủ vẫn phải hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và không thể trả nợ ngay cả khi các doanh nghiệp này không thuộc diện bảo lãnh. Một ví dụ điển hình là hình thức khoanh nợ của Vinashin tại các ngân hàng, và Nhà nước phải bỏ một phần tiền để bù đắp. Sau đó Vinashin chuyển nợ cho Vinalines và tập đoàn dầu khí (PVN) làm PVN rơi vào tình trạng khó khăn cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tiếp đó là các khoản vay ưu đãi của các DNNN từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Nguồn vốn của VDB đến từ phát hành giấy tờ có giá và nhận vốn ODA cho vay lại chiếm 72,4% trong năm 2009. Đây là khoản vay mà Chính phủ đảm bảo hoàn trả cho các chủ nợ. Một phần lớn nguồn vốn này sau đó được VDB cho các DNNN vay ưu đãi để đầu tư.

Theo báo cáo Kiểm toán Nhà nước về tình hình hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính thì tỉ lệ nợ xấu của VDB ở mức 12,05% vào cuối 2010. Theo đánh giá của Ủy ban kinh tế, với tình hình nợ xấu chung của toàn hệ thống năm 2011 cao hơn năm 2010 và năm 2012 lại cao hơn 2011 thì tỉ lệ nợ xấu của VDB hiện tại có thể cao hơn rất nhiều con số trên.

Bên cạnh đó, Trong năm 2010, Bộ Tài chính lại nhận được đề xuất từ Bộ Xây dựng về hỗ trợ một số công ty thuộc Tập đoàn Sông Đà khó khăn không trả được nợ nước ngoài, Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành không trả được nợ gốc và lãi hơn 141 tỷ và còn thiếu 607 tỷ đồng để trả nợ giai đoạn 2011-2015.

Tương tự là tình trạng không trả được nợ vay nước ngoài của Tổng công ty cơ khí xây dựng và nhiều DNNN khác đang đề nghị Nhà nước hỗ trợ vì đây là các khoản vay do Nhà nước bảo lãnh, v.v…

Ủy ban kinh tế đưa ra khuyến nghị về việc thành lập Ban giám sát nợ công thuộc Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội và thiết lập một hệ thống các chỉ tiêu về an toàn nợ để giám sát và điều chỉnh hoạt động đầu tư công, đồng thời định hướng cắt giảm chi tiêu công, tăng cường quản trị và tăng tính minh bạch của DNNN.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện