Doanh nghiệp, người nuôi cá tra lo lắng vì mức thuế bán phá giá mới
Trước diễn biến cá tra lại bị áp thuế chống bán phá giá tăng gấp gần 3 lần, nhiều hộ dân ở ĐBSCL đang tỏ ra lo ngại. Ông Võ Văn Đệ (ở phường Thuận An, Thốt Nốt, Cần Thơ) trăn trở: “Sau 3 năm dài giá cá tra sụt thê thảm khiến hàng loạt hộ nuôi bị lỗ te tua, gần đây, giá cá tra nhích lên tới 24.500-25.000 đồng/kg giúp người nuôi có lãi từ 1.000-2.000 đồng/kg.
Niềm vui chưa lâu thì nay phía Mỹ lại tăng thuế chống bán phá giá, khiến giá cá trong nước đang sụt lại còn 23.400- 24.000 đồng/kg, kèm theo sức tiêu thụ chậm lại. Ai cũng biết Mỹ là một trong những thị trường tiêu thụ lớn đối với sản phẩm cá tra phi lê của VN, vì vậy, việc tăng thuế sẽ tác động đến giá cả cá tra trong nước”.
Đồng tâm trạng trên, bà Đinh Thị Hường - hộ nuôi cá tra chuyên nghiệp ở thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) - cho biết, gần đây, giá cá tăng cộng với việc các ngân hàng khoanh nợ 3 năm và tạo điều kiện thuận lợi để người nuôi cá tra tái sản xuất.
Vực dậy nghề nuôi cá tra đang làm lĩnh vực chăn nuôi thủy sản này sống lại ở vùng ĐBSCL. Việc Mỹ công bố tăng thuế lần thứ 9 đối với cá tra đã khiến nhiều hộ nuôi dè dặt không biết có nên đầu tư số tiền lớn để tiếp tục nuôi cá hay không, bởi muốn nuôi 1ha cá tra cần vốn khoảng 11 tỉ đồng/vụ, đó là chưa kể đất và cơ sở hạ tầng...
Con cá tra giúp nhiều hộ dân vùng sông nước ĐBSCL thoát nghèo, làm giàu, nhưng cũng không ít hộ phá sản vì thất bại do nuôi gặp thời điểm rớt giá.
Việc tăng thuế nêu trên của Mỹ cũng đang làm các DN lo lắng. Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng Giám đốc Cty CP Gò Đàng (Tiền Giang) - cho biết, nhiều năm rồi cùng với EU thì Mỹ là thị trường quan trọng đối với XK cá tra của các DN VN. Do đó, mà mọi động thái của Mỹ cũng ít nhiều ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực trong xuất khẩu cá tra.
Trước việc Mỹ tăng thuế chống phá giá, tình hình XK vào Mỹ gặp khó bởi lợi nhuận sẽ giảm; vì vậy, giải pháp lúc này là tăng cường khai thác những thị trường mới, đồng thời đẩy mạnh XK cá tra vào Châu Á, Châu Phi, Brazil, Tây Ban Nha... nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Chung một nỗi lo nêu trên, nhiều DN vẫn cho rằng nếu thị trường Mỹ được “xuôi chèo mát mái” thì XK cá tra của nước ta mới dễ tăng tốc. Cụ thể, trong quý I/2014, XK cá tra sang thị trường Mỹ và EU vẫn giữ vai trò quan trọng, góp phần vào tăng trưởng chung về kim ngạch cá tra.
Trong đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất, chiếm 20,5% tổng kim ngạch, với giá trị đạt gần 84 triệu USD; còn EU đứng sau với giá trị đạt 83 triệu USD, chiếm 20,3% tổng kim ngạch XK cá tra của VN. Theo nhận định, việc XK cá tra tới đây vào thị trường EU chưa có dấu hiệu khởi sắc, trong khi thị trường Mỹ có khả năng sẽ bị chậm lại do ảnh hưởng việc tăng thuế và quyết định Luật Nông trại mà Tổng thống Mỹ ban hành vào tháng 2.2014...
Theo VASEP, trước việc Mỹ và một số nước vẫn thường xuyên gây khó cho cá tra VN, quan điểm chung là phát triển “Cá tra theo hướng bền vững”, tăng giá bán nhằm tránh bị kiện tụng.
Tới đây, sẽ đẩy mạnh việc đổi mới công nghệ hiện đại ở các nhà máy để chế biến nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; mở rộng nhiều trại nuôi cá tra đạt chứng nhận GlobalGAP, ASC, BAP... đáp ứng được những tiêu chí khắt khe của các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản... cũng như các yêu cầu chọn lựa của người tiêu dùng trên toàn cầu.
Cần thấy rằng, cá tra đã trở thành loài cá phổ biến tại thị trường Châu Âu, đồng thời nằm trong tốp 10 sản phẩm thủy sản được ưa chuộng và tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ nhờ được chế biến đa dạng, giàu giá trị dinh dưỡng với giá cả hợp lý hơn các loài cá thịt trắng khác. Vì vậy, cần nỗ lực vượt những trở ngại, tiếp tục đầu tư nâng chất lượng, để tăng giá trị là hướng đi bền vững cho cá tra VN.
Được biết, khi DOC đưa ra phán quyết sơ bộ, VASEP đã phản đối DOC không công bằng cho VN vì lấy Indonesia làm quốc gia thay thế cho việc tính giá cá tra của VN, để nâng mức trong quyết định sơ bộ lần này là vô lý. Lần này, Vasep cũng không đồng tình với DOC về việc điều chỉnh mức thuế theo hướng tăng như đã nêu trên.
Theo Vasep, các kỳ xem xét hành chính trước đây, DOC luôn chọn Bangladesh là quốc gia thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào của cá tra VN. Bangladesh là nước sản xuất cá tra “hypophthalmus” thương phẩm và nuôi trong ao như VN, chi phí sản xuất và doanh thu của người nuôi cá tra ở VN và Bangladesh là tương đương nhau. Do đó, cách áp thuế chống bán phá giá nêu trên đã gây thiệt hại cho ngành nuôi và chế biến cá tra của VN khi XK vào Mỹ.
Nguồn Lao động