Thứ Ba | 12/05/2015 08:30

Doanh nghiệp ngoại lấn sân các dự án điện

Trong vòng 10 năm qua việc đầu tư vào các dự án điện đã trở thành một miếng bánh béo bở đối với các công ty năng lượng nước ngoài.

Theo dự kiến, quý III năm nay, Tập đoàn Sumitomo của Nhật sẽ ký kết hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 tại Khánh Hòa với Bộ Công Thương, kết thúc 5 năm dài đàm phán giữa 2 bên. Một nguồn tin từ Tập đoàn Sumitomo tại Việt Nam cho hay mọi điều khoản đàm phán gần như đã xong; vấn đề còn lại chỉ là một vài thủ tục nhỏ để có thể hoàn tất việc ký kết hợp đồng.

Sau khi hợp đồng BOT được ký kết, Sumitomo sẽ chính thức được tham gia đầu tư dự án nhiệt điện thứ hai tại Việt Nam trong vòng hơn một thập niên qua. Với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỉ USD, gồm 2 tổ máy 600 MW, nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 sẽ đóng góp vào việc đảm bảo đủ điện cho khu vực phía Nam. Cũng theo nguồn tin trên, nếu việc giải phóng mặt bằng được hoàn tất sớm, khả năng đầu năm sau tập đoàn này sẽ khởi công xây dựng nhà máy nhiệt điện.

Nếu như trước đây việc đầu tư các dự án điện, đặc biệt là nhiệt điện, chỉ thuộc về các doanh nghiệp nhà nước thì trong vòng 10 năm qua lĩnh vực này đã trở thành một miếng bánh béo bở đối với các công ty năng lượng nước ngoài như Sumitomo. Cho đến nay đã có 5 dự án nhiệt điện được cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT, gồm dự án Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2.2, Mông Dương 2, Hải Dương và Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Để đảm bảo nguồn điện đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, Chính phủ dự kiến cần tới 48,8 tỉ USD để đầu tư các dự án phát điện và hệ thống truyền tải cho đến năm 2020, theo quy hoạch phát triển điện của Chính phủ giai đoạn 2011-2020 hay còn gọi là Quy hoạch sơ đồ điện VII. Phần lớn các dự án phát điện sẽ là nhiệt điện. Trong số 86 dự án điện được quy hoạch trong giai đoạn này, chỉ có 18 dự án nhiệt điện được chỉ định dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, còn lại là do các công ty trong nước đầu tư.

Dù vậy, số lượng các công ty nước ngoài đến đề xuất đầu tư vào các dự án nhiệt điện tại Việt Nam lại ngày càng tăng lên. Posco Energy, công ty con của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc), gần đây đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Quảng Ninh để đầu tư một dự án nhiệt điện có tổng công suất 1.200 MW theo hình thức BOT.

Tập đoàn AES của Mỹ cũng đã tiến hành khảo sát một dự án mới tại Quảng Ninh, dù dự án nhiệt điện Mông Dương 2 do tập đoàn này đầu tư tại Quảng Ninh mới đang ở giai đoạn xây dựng cuối cùng. Hay như Samsung gần đây cũng đã được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án nhiệt điện Vũng Áng 3.

Dự án nhiệt điện Mông Dương 2 do AES (Mỹ) đầu tư đang trong giai đoạn xây dựng cuối cùng.
Dự án nhiệt điện Mông Dương 2 do AES (Mỹ) đầu tư đang trong giai đoạn xây dựng cuối cùng.

Ngay cả Tập đoàn Tata của Ấn Độ cũng đã đề xuất xin phép tham gia đầu tư cả hai dự án nhiệt điện tại Trung tâm Nhiệt điện Long Phú, Sóc Trăng, dù cho những bất đồng trong việc giải phóng mặt bằng ở Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh, khiến tập đoàn này phải dừng dự án sản xuất thép cách đây vài năm.

Ông Indronil Sengupta, Trưởng đại diện của Tata Group tại Việt Nam, cho biết điện hiện là ưu tiên đầu tư của Tata tại Việt Nam. “Việc Tata muốn xin đầu tư tới 2 dự án điện cùng một lúc đã cho thấy Tata tin tưởng vào cơ hội thu lợi trong lĩnh vực điện ở Việt Nam như thế nào”, ông nói.

Trong khi đó, Jaks Resources (Malaysia) đang là chủ đầu tư của dự án nhiệt điện Hải Dương với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD. Việc xây dựng dự án này đã kéo dài nhiều năm và Công ty chưa thành công trong việc tìm kiếm đối tác mua cổ phần tại dự án Hải Dương. Dẫu vậy, Jaks Resources dường như vẫn không nản chí.

Theo ông Haris F. Abdullah, Trưởng đại diện của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Điện Lực Hải Dương - công ty con của Tập đoàn Jaks Resources, đầu tư vào lĩnh vực điện ở Việt Nam gần như không bao giờ lỗ. Lý do chính là nhu cầu điện của Việt Nam luôn tăng cao, khoảng 12%/năm, trong khi nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu, dẫn đến tình trạng thiếu điện trong nhiều năm qua.

Đầu tư dự án điện được xem là một lĩnh vực tiềm năng. Vậy tại sao chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm? Cho đến nay, chỉ có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là hai nhà đầu tư trong nước đầu tư vào điện nhiều nhất và cũng đang là hai nhà đầu tư lớn nhất. Đầu tư nhiệt điện hầu như vắng bóng các nhà đầu tư tư nhân.

Thực ra, một số công ty tư nhân trong nước cũng đã nhảy vào lĩnh vực này, nhưng các bước khởi đầu đều chưa thành công. Cuối năm ngoái, tỉnh Bình Định đã tuyên bố sẽ rút chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Năng lượng Sài Gòn - Bình Định (thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn) đầu tư dự án Trung tâm Điện lực Bình Định.

Dự án Trung tâm Điện lực Bình Định được đề xuất đầu tư từ năm 2009. Theo kế hoạch, trung tâm này được xây dựng trên diện tích 250 ha tại xã Cát Khánh - Cát Thành, huyện Phù Cát với tổng công suất 5.200 MW. Dự án bao gồm 3 nhà máy, được triển khai qua 3 giai đoạn, dự kiến vận hành trong giai đoạn 2016-2021.

Với tổng mức đầu tư khoảng 7,5 tỉ USD, Trung tâm Điện lực Bình Định được xác định là phương án bổ sung, thay thế cho các nhà máy tuabin khí hỗn hợp quy mô lớn ở miền Nam và miền Trung trong Quy hoạch điện VI. Tuy nhiên, cho đến nay, những gì mà Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn làm cho dự án này vẫn chỉ dừng lại ở đó. Điều này khiến cho chính quyền địa phương mất kiên nhẫn.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Tập đoàn Tân Tạo tại dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương, Kiên Giang. Sau nhiều năm trì hoãn triển khai dự án theo hình thức xây dựng - kinh doanh - sở hữu (BOO), Tân Tạo đã từng đối mặt với nguy cơ bị rút phép và buộc phải xin chuyển sang hình thức đầu tư BOT nhằm kêu gọi thêm đối tác đầu tư. Mặc dù vậy, Tân Tạo cũng chưa thành công trong việc này.

Thiếu kinh nghiệm phát triển dự án điện và tiềm lực tài chính kém được cho là những rào cản đối với các công ty tư nhân Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này, khi đây là một lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn và công nghệ hiện đại. Trong khi đó, hầu hết các công ty nước ngoài đều là những công ty đã có kinh nghiệm phát triển các dự án điện tại nhiều thị trường khác nhau.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương hiện đang phải sửa lại Quy hoạch sơ đồ điện VII theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các công ty nước ngoài đầu tư vào các dự án điện. Với đà này, thời gian tới nguồn cung điện trong nước sẽ phụ thuộc phần lớn vào các dự án đầu tư của công ty nước ngoài, chứ không phải công ty trong nước như Quy hoạch sơ đồ điện VII ban đầu.

Ngọc Linh