Thứ Hai | 14/09/2015 17:19

Doanh nghiệp 'nghẹt thở' vì quy định vốn mỏng

Quy định DN vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu thì chi phí trả lãi không tính vào chi phí hợp lý đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Thuế tăng, lợi nhuận giảm

Cụ thể theo dự luật, đối với lĩnh vực sản xuất, khống chế chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1). Các lĩnh vực còn lại vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4:1). Tỷ lệ này sẽ còn hạ thấp hơn nữa kể từ năm 2019, là 4:1 đối với lĩnh vực sản xuất và 3:1 đối với các lĩnh vực còn lại.

 
 
 
Doanh nghiep 'nghet tho' vi quy dinh von mong

Bộ lấy các nước giàu làm thước đo thì không phù hợp với VN có 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn khát vốn

Doanh nghiep 'nghet tho' vi quy dinh von mong
 

Luật sư Trần XoaGiám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang

 

Với 90% doanh nghiệp (DN) vừa, nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, vốn mỏng là điều tất yếu của họ. Nên việc có 1 đồng vay 5 - 7 đồng để sản xuất kinh doanh là phổ biến. Lấy ngay trên thị trường chứng khoán, nhiều công ty đã vượt tỷ lệ này cả chục lần. Đơn cử Công ty CP đầu tư thương mại SMC (SMC) có tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu gấp gần 7 lần. Công ty CP dịch vụ tổng hợp phân phối dầu khí (PSD) vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 1.600 tỉ đồng, gấp 6 lần vốn chủ sở hữu. Hoặc Công ty CP lương thực Vĩnh Long (VLF) đang vay và nợ thuê tài chính 290 tỉ đồng, gấp hơn 70 lần vốn chủ sở hữu bởi lỗ lũy kế 153 tỉ đồng và đang ở diện kiểm soát đặc biệt. Tính theo quy định vốn mỏng, lấy trường hợp SMC thuộc tỷ lệ vay 4:1, giả sử khoản vay có lãi suất 10%, SMC sẽ phải nộp thuế cho chi phí lãi 113 tỉ đồng cho khoản vay 1.100 tỉ đồng vượt quy định.

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty CP thép Pomina, cho hay vay ngắn hạn của Pomina gần 2.500 tỉ đồng, tỷ lệ vay vốn trên vốn chủ sở hữu là 1:1; song ngành thép với đặc thù trữ hàng nhiều nên có những thời điểm việc vay vốn rất lớn. Ở Pomina, đa số dự án đầu tư nhà máy khoản vay chiếm 50 - 60%. Hiện nay Pomina chủ yếu vay lưu động ở mức 50 - 60%. “Việc khống chế chi phí lãi vay sẽ tác động lớn đến những DN có cơ cấu vốn lưu động lớn như ngành thép, dệt may...”, ông Thái nói.

Hàng loạt DN đang mỗi tháng trả lãi ngân hàng từ vài chục tới hàng trăm tỉ đồng cũng “kêu trời” nếu như tiền trả lãi không được coi là chi phí hợp lý thì họ biết tính thế nào. Có một kết quả chắc chắn là, lợi nhuận của họ sẽ giảm mạnh nếu quy định này được thông qua.

Lấy nước giàu làm thước đo

Có nhiều lý do để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất trên. Đầu tiên bộ này dẫn ra một số nước như Đài Loan, New Zealand, Đức, Úc, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan quy định vốn vay DN vượt trên tỷ lệ 3:1 được coi là vốn mỏng. Kế đó, một số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài báo lỗ nhưng vẫn phát triển về doanh thu và quy mô. Qua xem xét báo cáo tài chính, nguyên nhân dẫn đến lỗ một phần do chi phí trả lãi tiền vay vốn cho công ty mẹ ở nước ngoài quá lớn. Đồng thời, Bộ cũng lo ngại DN có khoản vay vốn vượt nhiều lần vốn chủ sở hữu dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính. Vì vậy, việc khống chế này để đảm bảo an toàn tài chính DN, chống chuyển giá ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng việc khống chế này là cần thiết trong giảm rủi ro nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, góp phần chống chuyển giá. Nhưng việc khống chế tỷ lệ vay “chưa chắc” đảm bảo an toàn tài chính cho DN bởi vay nhiều không có nghĩa độ rủi ro cao. Điều quan trọng hơn mà Bộ Tài chính chưa lý giải là tại sao quy định ở mức 5:1 hay 4:1 là hợp lý, đặc biệt với những ngành cần nhiều vốn như xây dựng, may mặc...

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính chưa hợp lý. “Bộ lấy các nước giàu làm thước đo thì không phù hợp với VN có 90% là DN vừa và nhỏ luôn khát vốn”, ông nói và cho rằng, quy định này khiến DN mất tính chủ động và cơ hội trong phát triển kinh doanh. Còn nếu lo ngại thất thu từ DN nước ngoài thì có thể điều chỉnh thuế nhà thầu. Theo quy định hiện hành, thuế nhà thầu/lãi tiền vay là 5%. Một DN nước ngoài mẹ cho DN con tại VN vay 2 triệu USD với lãi suất 5%, lãi vay là 100.000 USD. Sau khi trừ thuế nhà thầu/lãi tiền vay là 5%, 100.000 USD này được đưa vào chi phí, không phải nộp thuế. So với mức thuế TNDN là 20% được áp dụng từ năm 2016, thì DN nước ngoài lợi lớn ở mức chênh lệch 15% này. Vì vậy, theo luật sư Trần Xoa, cơ quan thuế có thể tính toán tăng thuế nhà thầu, thiệt hại nhà nước sẽ giảm xuống, thay vì dùng quy định vốn mỏng điều chỉnh đa số.

Ông Phạm Ngọc Long, Giám đốc bộ phận tư vấn thuế - Công ty Grant Thornton Việt Nam, cũng cho rằng quy định về vốn mỏng này không cần thiết, không hợp lý và có tác động lớn đến DN. Khi vay vốn, bên cho vay đã thẩm định phương án sử dụng vốn và chấp nhận các tình huống, kể cả mất cả vốn và lãi. Việc áp dụng quy định này sẽ làm giảm nhu cầu đi vay của DN, dẫn tới quy mô đầu tư, kinh doanh bị giảm sút. Đồng thời, khi khống chế chi phí lãi vay, một phần lãi vay sẽ không được tính chi phí hợp lý hợp lệ do vượt quá tỷ lệ quy định, dẫn tới chi phí thuế tăng thêm, lợi nhuận của DN bị sụt giảm.

Nguồn Thanh Niên