Doanh nghiệp Mỹ vẫn muốn đầu tư vào Việt Nam
Nhận định trên được ông Michael Michalak, Phó chủ tịch cấp cao và Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (UABC), đưa ra trong bối cảnh lần đầu tiên kể từ khi Mỹ bầu cử tổng thống mới, một đoàn gồm 29 tập đoàn hàng đầu của Mỹ đến Việt Nam 4 ngày, từ 6.3, để khảo sát quá trình cải cách của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời kiến nghị những thay đổi chính sách kinh tế liên quan.
Trao đổi với NCĐT, ông Michael Michalak tránh nhắc đến chính sách “đầu tư trở lại nước Mỹ” của Tổng thống Donald Trump sẽ tác động thế nào đến đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam. Thay vào đố, ông khẳng định: “Sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam mới là những yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ”.
Theo ông Michalak, người từng là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam giai đoạn 2007-2011, Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh tốt để có thể thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó có đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ.
Nhưng ông Michalak cũng nói, quyết định đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ ra nước ngoài phụ thuộc vào điều kiện đầu tư của nền kinh tế ở thời điểm ra quyết định, nên “chỉ những nền kinh tế có đủ sức hấp dẫn” mới thu hút được khoản đầu tư đó.
Trong khi kinh tế thế giới tăng trưởng vẫn ì ạch, các tiến bộ về cải cách khu vực Đông Nam Á, hiện thực hóa cộng đồng kinh tế ASEAN, tiến trình đàm phán RCEP, đã góp phần gia tăng sự hấp dẫn của khu vực Đông Nam Á.
Sự hiện diện của các thương hiệu lớn như Amway, Apple, Coca-Cola, ExxonMobil, Ford , General Electric (GE), Google, General Motors, MasterCard và Visa tại Việt Nam lần này cho thấy mối quan tâm đến của các nhà đầu tư quốc tế đối với thị trường hơn 90 triệu người tiêu dùng, đã không hề giảm đi dù Mỹ rút khỏi TPP.
Ông Marc Mealy, Phó chủ tịch phụ trách chính sách của UABC nhận xét, Việt Nam, là một trong những thị trường đi đầu mà các công ty Mỹ có thể tận dụng cơ hội để đầu tư kinh doanh.
Ông Marc Mealy cũng cho biết, hơn 150 thành viên của UABC thường xuyên xếp Việt Nam đứng thứ nhất hoặc thứ hai trong số các nền kinh tế hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài trong tương lai không phụ thuộc vào các lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, giáo dục, công nghệ… mà phụ thuộc vào quan điểm, tầm nhìn, chính sách của Chính phủ về độ mở của các mô hình kinh doanh mới, mô hình kinh doanh sáng tạo, gắn với kinh tế số, kinh tế tri thức.
Theo ông Michalak, chính sách mà Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN khuyến nghị nằm trong mảng lớn là tài chính, đầu tư gián tiếp hay mua lại tài sản của các doanh nghiệp Việt Nam thông qua cổ phần hóa, nền kinh tế số, cách mạng 4.0.
Việt Nam muốn gia tăng đầu tư từ Mỹ, theo ông Michalak, ở góc độ quản lý nhà nước, phải thường xuyên cập nhật và điều chỉnh chính sách. Hơn nữa, các chính sách phải tạo ra được sự ổn định, minh bạch và có khả năng đoán định.
Hải Vân