Thứ Năm | 16/10/2014 11:45

Doanh nghiệp mía đường vẫn “ngắc ngoải” vì tồn kho

Không cạnh tranh nổi với đường nhập khẩu, “hụt hơi” do đường nhập lậu, nhiều doanh nghiệp mía đường tiếp tục “sống dở chết dở” vì tồn kho ngày một nhiều.
"Ngán" nhất đường lậu

Theo Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Lượng đường tồn kho tại các nhà máy tính đến ngày 15/9 lên tới 280.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 58.690 tấn. Trong khi đó, lượng đường các nhà máy bán ra từ 15/8 đến 15/9 là 92.000 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 10.000 tấn.

Phát biểu tại Hội nghị diễn đàn Doanh nghiệp ngành nông nghiệp tổ chức ngày 15/10, ông Nguyễn Thành Long-Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết: Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp đường nội địa hiện nay là tình trạng buôn lậu đường tràn lan. Đây không phải là vấn đề mới nhưng đã và vẫn đang ngày đêm nhức nhối, tác động trực tiếp tới doanh nghiệp.

Minh chứng rõ nhất là, trước đây lượng tiêu thụ của các nhà máy đường trên cả nước đạt khoảng 130.000-140.000 tấn/tháng thì nay chỉ còn khoảng 50.000-60.000 tấn, đạt cao mới lên 80.000-90.000 tấn. Phần còn lại bị đường nhập lậu chiếm thị phần.

Buôn lậu đường giờ không cần lén lút mà khá công khai, quy mô lớn, có tổ chức và các thiết bị phương tiện đầy đủ, hiện đại, chứ không mang vác thủ công như trước.

VSSA đã nắm được những yếu tố cơ bản trong buôn lậu đường như địa bàn, quy mô, mạng lưới, cách thức vận chuyển, tiêu thụ... và báo cáo rõ ràng tới các bộ, ngành nhưng đến nay tình hình chưa xử lý dứt điểm được.

"Lỗ hổng lớn hiện nay là việc cấp phép cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh đường còn dễ dãi, không cần kiểm soát xem đơn vị đó có nhà máy, có vùng mía nguyên liệu hay không. Trên thực tế, nhiều đơn vị xin cấp phép chỉ để dễ dàng hợp thức hóa đường buôn lậu, tuồn đường lậu tiêu thụ trong nội địa khiến cho "vàng thau lẫn lộn"", ông Nguyễn Thành Long nhấn mạnh.

Cần đấu thầu NK đường công khai

Bên cạnh vấn đề đường lậu, việc nhập khẩu đường ồ ạt cũng khiến không ít doanh nghiệp sản xuất mía đường nội địa "đau đầu". Theo bà Bùi Thị Quy -Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ Công ty TNHH Mía đường Cồn Long Mỹ Phát: Thời gian qua, Chính phủ cho nhập hơn 70.000 tấn đường mà đối tượng mua chính là một số nhà máy đường trong nước.

Trong thời điểm, đường trong nước đang đối đầu với đường nhập lậu Thái Lan, các nhà máy tồn kho chưa bán được, cửa khẩu Trung quốc lại đóng cửa thì động thái nhập khẩu đường này khiến doanh nghiệp thêm chật vật, bởi tồn kho ngày càng nhiều, hàng "ế" triền miên.

Bà Quy tính toán, trong nước, giá đường RS, đường thô cung cấp cho các nhà máy đường tinh luyện, giao tại kho nhà máy chỉ có 12.100 đồng-12.000 đồng/kg, trong khi đó giao hàng, trọng lượng tính bằng cách cân thực tế sau khi rạch bao đổ đường vào máng sản xuất. Nếu công nhân giũ không sạch bao, khi cân lại, người bán sẽ phải chịu thiệt thòi bởi cách làm là giao hàng trước, nhận tiền sau.

Trong khi đó, nhập đường thô từ nước ngoài về, doanh nghiệp nhập khẩu phải trả tiền trước bằng USD. Sau khi cộng thuế, rủi ro, hao hụt, giá đường nhập về cũng trên 11.500 đồng/kg. Rõ ràng, đây là các nhà máy đường trong cùng Hiệp hội đang tự làm khó cho nhau.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Thành Long cho rằng, việc nhập khẩu đường là đương nhiên, đúng với cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, hiện nay vẫn xảy ra cơ chế "xin-cho" trong nhập khẩu đường, gây mất đoàn kết trong nội bộ ngành mía đường.

VSAS kiến nghị, cần có cách thức đấu thầu trong nhập khẩu đường một cách hợp lý để đảm bảo sự công bằng. Nguồn thu từ hoạt động đấu thầu này sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước.

Ngoài các vấn đề trên, theo đại diện một số doanh nghiệp: Hiện, doanh nghiệp mía đường khá khó khăn trong vay vốn. Mặc dù ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay thấp hơn nhiều so với trước nhưng doanh nghiệp lại không vay nổi vì không có tài sản thế chấp.

Đối với một dự án, doanh nghiệp phải thế chấp tất cả tài sản cá nhân đảm bảo và tài sản hình thành từ vốn vay. Nếu có khó khăn, doanh nghiệp sẽ mất tất cả vốn của mình và vốn vay từ ngân hàng. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp thế chấp ngân hàng bằng hàng hóa, ngân hàng tính trị giá hàng hóa cho vay bằng 50% vốn sản xuất. Nếu hàng hóa chậm tiêu thụ, buộc doanh nghiệp phải dừng sản xuất vì không đủ vốn.

Các doanh nghiệp kiến nghị được vay vốn 85% giá trị hàng hóa sản xuất; đồng thời kiến nghị cho vay bổ sung vốn trung hạn để thay thế, bổ sung thiết bị.

Nguồn Báo Hải quan


Sự kiện