Doanh nghiệp mía đường trông chờ chính sách để lên kế hoạch 2013
Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường Biên Hòa ( BHS) cho biết, ban giám đốc công ty đã mấy lần trình kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2013 lên Hội đồng quản trị nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Lý do vì doanh thu, lợi nhuận trong bản kế hoạch không như kỳ vọng của các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT).
Theo ông Lộc, trong bản kế hoạch 2013 mà ban giám đốc BHS trình lên HĐQT, dự án 10.000 ha mía ở Campuchia cũng phải tạm dừng lại.
Còn theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), kế hoạch mà ông phải xây dựng năm 2013 có doanh thu và lợi nhuận phải tăng hoặc ít nhất bằng năm 2012, như yêu cầu của cổ đông. Trong khi theo ông dự báo, sang năm 2013, doanh nghiệp mía đường sẽ còn gặp khó khăn hơn cả năm 2012 do giá đường nhiều khả năng tiếp tục giảm, có thể thấp hơn giá bán 14.500 đồng/kg bán tại nhà máy vào thời điểm tháng 11/2012.
Do giá đường liên tục giảm, mới đây, HĐQT Casuco đã nhất trí điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 2012 là trên 38 tỷ đồng, so với 70 tỷ đồng của kế hoạch trước đó. Theo ông Long, việc điều chỉnh này là không thể tránh khỏi, bởi từ quý II/2012, cứ sau mỗi tháng, giá đường giảm từ 200-700 đồng/kg; trong khi những tháng cuối năm của những năm trước giá đường chỉ có tăng, không có giảm.
Hiện tại, giá đường bán tại kho của các nhà máy vào khoảng 14.500-14.700 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Lộc cho rằng, mức giá này chỉ có lãi với một số ít công ty, còn đa phần, đặc biệt là ở Đồng bằng Sông Cửu Long, doanh nghiệp không lỗ thì chỉ hòa vốn.
Ông Lộc dẫn chứng, dù mới vào vụ ép mía 2012-2013 hơn 1 tháng, nhưng mới đây có một nhà máy ở Đồng bằng sông Cửu Long đóng cửa. Nguyên nhân do hoạt động ép mía lấy đường của nhà máy không hiệu quả, nếu cứ tiếp tục sản xuất thì càng thua lỗ.
Hiệp hội mía đường Việt Nam cũng không loại trừ khả năng qua năm 2013 sẽ có thêm nhà máy đường nữa rơi vào tình trạng tương tự.
Chờ chính sách hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, đường sản xuất trong nước không thể cạnh tranh với đường nhập lậu từ Thái Lan. Ông Nguyễn Thành Long cũng cho rằng nếu không ngăn chặn kịp thời tình trạng đường nhập lậu từ các tỉnh Tây Nam, sang năm 2013, đa phần các công ty mía đường sẽ thua lỗ.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng dự báo, nếu đường nhập lậu vẫn ở mức 400.000-500.00 tấn như năm 2012 thì ban giám đốc nhiều công ty mía đường sẽ tiếp tục xin điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận.
Mặc dù, tháng 9/2012, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có biên bản thỏa thuận hợp tác chống buôn lậu, gian lân thương mại với Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, nhưng theo ông Long, đã hơn 3 tháng qua vẫn chưa thấy tín hiệu tích cực như kỳ vọng.
"Hiện chúng tôi trông chờ vào các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại trong ngành mía đường của Chính phủ, từ đó mới có kế hoạch kinh doanh cho từng giai đoạn cụ thể", ông Long nói.
Nói cách khác, nhiều công ty mía đường vẫn đang dò dẫm theo những động thái của chính sách đối với ngành, diễn biến giá đường, các giải pháp chống nhập lậu đường... để có những kế hoạch ngắn hạn hoặc điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn trong năm 2013 và theo kiểu " lựa cơm gắp mắm".
Nguồn TBKTSG