Diện tích trồng mía dự kiến sẽ mở rộng vào năm 2023. Ảnh: Quý Hòa.
Doanh nghiệp mía đường tìm lại vị ngọt
Theo ước tính của VNDirect, 9 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất đường niêm yết tăng 16,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận ròng tăng 5,4% so với cùng kỳ.
VNDirect cho rằng tổng doanh thu của các doanh nghiệp này tăng trưởng nhờ giá đường và sản lượng tiêu thụ đều ghi nhận tăng lần lượt 9% và từ 7-9% trong 9 tháng đầ năm 2022. Trong khi đó, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp này cũng đạt mức tăng trưởng tích cực nhờ hưởng lợi từ việc giá đầu ra tăng. “2023 sẽ là một năm thuận lợi đối với các doanh nghiệp sản xuất đường”, VNDirect nhận định.
Giá đường nội địa tăng mạnh thời gian gần đây cùng với các biện pháp bảo hộ từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho nông dân mở rộng diện tích trồng mía trong niên vụ 2022-2023. |
Diện tích trồng mía dự kiến sẽ mở rộng vào năm 2023. Diện tích trồng mía giảm liên tục từ niên vụ 2017-2018 do giá mía xuống thấp khiến nông dân chuyển đổi đất sang trồng các giống cây khác. Do tình trạng thiếu mía nguyên liệu trong nước những năm gần đây, một số doanh nghiệp sản xuất đường ngoài việc ép đường trực tiếp từ mía cũng phải nhập khẩu đường thô để tinh luyện.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng giá đường nội địa tăng mạnh thời gian gần đây cùng với các biện pháp bảo hộ từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho nông dân mở rộng diện tích trồng mía trong niên vụ 2022-2023. Niên vụ chế biến đường năm 2022-2023, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), diện tích mía dự kiến đạt 151.305 ha, tăng 3,0% so với cùng kỳ, sản lượng mía chế biến đạt hơn 8,76 triệu tấn, tăng 16,5% so với cùng kỳ và sản lượng đường đạt 870,93 nghìn tấn, 16,6% so với cùng kỳ.
Bên cạnh diện tích mía được mở rộng, giá đường nội địa được dự báo tiếp tục tăng trong 2023. VNDirect ước tính giá đường nhập lậu sau khi áp thuế chống bán phá giá sẽ cao hơn giá đường nội địa khoảng 15%, do đó mức thuế mới sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho mía đường trong nước.
Trong quý III/2022, giá đường nội địa tăng khoảng 10-14% so với đầu tháng 7/2022 (trước khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN), tương đương với giá đường trong khu vực ASEAN và Trung Quốc. Bên cạnh đó, nguồn cung đường trong nước mới chỉ đáp ứng được 35 - 40% nhu cầu nội địa do đó giá đường trong nước sẽ theo xu hướng giá đường thế giới.
“Chúng tôi kỳ vọng Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (mã SBT) và Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã QNS) có thể tận dụng việc giá đường tăng để cải thiện biên lợi nhuận gộp mảng sản xuất đường do đây là các doanh nghiệp có diện tích vùng mía nguyên liệu lớn nhất và có vị thế thuận lợi để nắm bắt nhu cầu tiêu thụ đường trong nước tăng”, VNDirect nhìn nhận.
Tuy có nhiều điểm tích cực để các doanh nghiệp mía đường ‘tìm lại vị ngọt’, nhưng vẫn còn đó những rủi ro như đường nhập lậu chưa được kiểm soát triệt để có thể tạo áp lực cạnh tranh về giá với đường trong nước. Ngoài ra, dự báo thời tiết cho thấy pha Trung tính khả năng cao sẽ xảy ra vào năm 2023 (lượng mưa ít hơn pha La Nina) có thể ảnh hưởng đến sản lượng mía đường.
Có thể bạn quan tâm