Doanh nghiệp mía đường quý II: Lợi nhuận tăng 137%, tồn kho tăng 2 lần
Giá đường trong nước nửa đầu năm 2014 liên tục biến động. Vào thời điểm tháng 4/2014, giá đường chỉ dao động trong khoảng 12.000 đồng - 13.000 đồng/kg, trong khi giá đường nhập lậu tại biên giới chỉ khoảng 11.000 đồng/kg. Đến tháng 6/2014, giá đường có những chuyển biến tích cực khi giá bán đường tăng khoảng 300 - 500 đồng/kg so với các tháng trước.
Tuy nhiên, đến tháng 7, giá đường ở 1 số khu vực tại miền Trung - Tây Nguyên giảm khoảng 200 - 300 đồng/kg so với tháng trước, trong khi giá đường tại miền Bắc và miền Nam vẫn giữ nguyên ở mức 12.500 - 13.000 đồng/kg.
Hiện tại, ngoài Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa (mã NHS) chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2014 thì 5 doanh nghiệp mía đường niêm yết còn lại đã có kết quả hoạt động kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2014.
Tổng hợp báo cáo tài chính quý II/2014 của 5 doanh nghiệp niêm yết ngành mía đường cho thấy, tổng doanh thu quý này đạt 1.908,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 94,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 137% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty có mức lợi nhuận cao nhất trên sàn trong quý II/2014 là Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (mã SBT). Theo đó, doanh thu quý II/2014 đạt 552,1 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ quý trước. Lợi nhuận sau thuế quý II/2014 đạt 32,96 tỷ đồng, giảm 10%.
Hai doanh nghiệp tiếp theo về lợi nhuận là Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (mã LSS) và Công ty Cổ phần Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (mã SEC).
SEC đứng thứ 3 về doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt gần 261 tỷ đồng và 20,34 tỷ đồng, tăng 40% và 118% so với cùng kỳ năm trước.
Vị trí thứ 4 thuộc về Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (mã BHS) với doanh thu quý II tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 22,41 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty lỗ 15,8 tỷ đồng.
Lợi nhuận thấp nhất thuộc về Công ty Cổ phần Đường Kon Tum (mã KTS) với mức lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 24 triệu đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ quý trước.
Biên độ lợi nhuận gộp quý II/2014 của BHS, LSS và SEC tăng trong khi của SBT giảm nhẹ và KTS giảm mạnh. Trong đó biên độ lợi nhuận gộp cao nhất thuộc về SEC, tương đương 19%; thấp nhất thuộc về KTS là 6%.
Nửa đầu năm 2014, lợi nhuận đứng yên, doanh thu giảm 7%
Tính chung 6 tháng đầu năm, 5 doanh nghiệp mía đường niêm yết có tổng doanh thu 3.649 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận đạt 163,93 tỷ đồng, giảm nhẹ 1%.
Tiếp đến là BHS với doanh thu hơn 1.263 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 43 tỷ đồng, tăng lần lượt 3% và 656% so với 6 tháng đầu năm 2013.
Vị trí thứ 3 thuộc về LSS với doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng lần lượt là 832 tỷ đồng và 32 tỷ đồng. Doanh thu giảm 23% và lợi nhuận sau thuế tăng 42% so với 6 tháng đầu năm 2013.
Nguồn: Báo cáo tài chính các doanh nghiệp
SEC có lũy kế 6 tháng doanh thu đạt 460 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 26 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 37% so với cùng kỳ năm trước.
Vị trí cuối cùng là KTS, doanh thu 6 tháng đạt 88,5 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 0,23 tỷ đồng, giảm 94%. Biên độ lợi nhuận gộp tương ứng đạt 5%.
SEC tiếp tục đứng đầu với biên lợi nhuận gộp cao nhất, đạt 17%. Các vị trí tiếp theo gồm LSS (15%), BHS (14%), SBT (11%) và KTS (5%).
Tồn kho 6 tháng tăng hơn 2 lần
Tổng giá trị tồn kho của 5 doanh nghiệp đã công bố báo cáo đến hết tháng 6 là 2.213 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với số đầu kỳ.
Giá trị tồn kho cao nhất thuộc về BHS với số tồn kho cuối kỳ đạt 784,4 tỷ đồng, tăng 66% so với số đầu kỳ.
Tiếp đến là LSS với tồn kho 619,5 tỷ đồng, tăng 36%. SBT cũng ghi nhận giá trị tồn kho 554 tỷ đồng, tăng 58% so với đầu kỳ.
SEC cho biết hàng tồn kho hết tháng 6/2014 đạt 170 tỷ đồng, tăng 66% so với đầu kỳ.
Giá trị tồn kho thấp nhất thuộc về KTS với 85 tỷ đồng, tăng 31%.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng đường tồn kho tại các nhà máy tính đến ngày 15/6 vẫn còn gần 550 nghìn tấn, cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 hơn 56 nghìn tấn. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2014, các doanh nghiệp mía đường tiêu thụ được gần 960 nghìn tấn đường, tăng gần 60 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2013.
Ước tính, đến hết năm 2014, lượng đường tồn kho của ngành mía đường ước tính sẽ vào khoảng 250 nghìn tấn.
"Cơn sóng" sáp nhập
Trong nửa đầu năm 2014, ngành mía đường đã chứng kiến thương vụ sáp nhập đầu tiên giữa BHS và NHS. Mới đây, SBT cũng ra thông báo họp Đại hội đồng cổ đông thường niên để lên phương án sáp nhập với SEC.
Về thương vụ giữa BHS và NHS, Đại hội cổ đông thường niên của hai công ty diễn ra tháng 6 vừa qua đều đã thông qua phương án sáp nhập với tỷ lệ hoán đổi 1:1. Theo đó, BHS đưa ra Nghị quyết HĐQT ngày 9/7/2014 dự kiến phát hành thêm 60,35 triệu cổ phiếu, bằng 99,34% tổng số cổ phần đang lưu hành của NHS, không tính phần cổ phiếu NHS mà BHS đang sở hữu.
Dự kiến, NHS sẽ chuyển thành công ty TNHH thuộc sở hữu 100% vốn của BHS, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Ngày 17/9 tới đây, SBT cũng tổ chức Đại hội cổ đông thường niên niên độ 2014 tại Tây Ninh. Trong đó SBT trình cổ đông phương án và dự thảo hợp đồng sáp nhập với SEC, thông qua việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần đang lưu hành của SEC và bổ sung niêm yết cổ phiếu phát hành thêm.
Nguồn Theo DVO