Doanh nghiệp mía đường kiến nghị cơ chế xuất khẩu linh hoạt hơn
Điều đáng nói, cơ chế buôn bán của đường lậu rất thoáng. Nếu các nhà máy đường trong nước chỉ chấp nhận những đơn hàng ít nhất cũng khoảng 10-20 tấn, nhưng với đường lậu, chỉ cần 1-2 tấn, đầu nậu cũng sẵn sàng chở đến tận nơi, đồng ý trả tiền sau và muốn giao đường nhãn mác tùy lựa chọn.
Theo ông Nguyễn Bá Chủ, Tổng giám đốc Công ty Mía đường Bourbon Tây Ninh, năm 2013, dự kiến lượng đường sản xuất trong nước dư thừa 200.000 tấn. Cộng thêm lượng đường nhập lậu khoảng 200.000-300.000 tấn, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ. Trong khi đó, việc chống đường lậu lại thiếu quyết liệt.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, Bộ Công thương phối hợp với Ban chỉ đạo 127 TW đã tăng cường công tác quản lý thị trường, song đường nhập lậu còn lớn một phần do chênh lệch giá trong nước và thế giới còn cao.
Cần cơ chế xuất khẩu linh hoạt
Với khả năng dư thừa đường rất lớn trong vụ tới, Hiệp hội Mía đường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, xuất khẩu đường là một giải pháp cần được tính tới.
Giá đường tiêu thụ nội địa của nhiều nước hiện nay (Trung Quốc, Thái Lan…) cao hơn nước ta khá nhiều. Tuy nhiên, đường nhập lậu vào Việt Nam (chủ yếu từ Thái Lan) lại có giá thấp, vì Thái Lan có chính sách khuyến khích xuất khẩu. Cụ thể, nước này cấp 3 loại quota cho đường sử dụng trong nước và đường xuất khẩu. Đây là lý do dù dân số ít hơn Việt Nam, sản lượng đường nhiều gấp 6 lần Việt Nam, song tiêu thụ đường của Thái Lan vẫn rất tốt. |
Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp không phải xin phép nếu xuất khẩu đường chính ngạch. Tuy nhiên, đường nước ta không thể xuất khẩu chính ngạch do giá vẫn còn ở mức cao. Biện pháp khả dĩ nhất hiện nay là xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới, nhưng doanh nghiệp cũng phải được cấp phép.
“Cơ chế xuất khẩu cần linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu. Loại đường nào thừa nên cho xuất khẩu thoải mái, loại đường nào thiếu thì cho nhập khẩu”, ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường Biên Hòa, đề nghị.
Ông Nguyễn Bá Chủ, Tổng giám đốc Bourbon Tây Ninh, lại đề nghị, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ một phần cho xuất khẩu đường, giống như nhiều nước trên thế giới đã áp dụng.
Trước phản ánh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Biên cho rằng, Bộ Công thương tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu đường, nhưng việc xuất khẩu qua đường mòn, lối mở cũng phải theo quy định về xuất khẩu biên mậu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nâng cao sức cạnh tranh, bởi theo cam kết WTO, từ nay đến năm 2018, các mức thuế bảo hộ sẽ giảm dần.
Nguồn Báo Đầu tư