Doanh nghiệp lớn của Việt Nam tăng mạnh đầu tư sang Nhật Bản
“Việc sân bay nào của Nhật Bản sẽ tiếp nhận Vietjet đang chờ sự chấp thuận của Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và du lịch của Nhật Bản”, ông Nguyễn Sĩ Hải, Trưởng phòng Chuyên trách Việt Nam, thuộc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) Hà Nội, nói với NCĐT. Ông loại trừ Sân bay quốc tế Narita với lý do đã đầy với số lượt chuyến bay và hành khách nhiều thứ 2 toàn Nhật Bản.
Ngày càng nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam đầu tư sang Nhật Bản. Sau Tập đoàn FPT đầu tư mạnh vào thị trường Nhật, thì CMC, một trong những Tập đoàn Công nghệ hàng đầu Việt Nam, hai tuần trước đã khai trương văn phòng tại tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Văn phòng đầu tiên của Tập đoàn FLC tại Nhật cũng sẽ chính thức hoạt động từ tháng 1.2018.
Mật độ đầu tư của Việt Nam vào Nhật tăng dần theo từng năm. Số liệu của Jetro cho thấy, đến nay Việt Nam đã có 49 dự án đầu tư sang Nhật Bản, với tổng mức đầu tư 7,5 triệu USD, trong đó lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm tới 15 dự án.
Chính phủ Nhật đặt mục tiêu năm 2020 sẽ thu hút 35.000 tỷ Yên từ FDI, gấp đôi hiện tại, ông Kitagawa Hironobu, Trưởng Văn phòng Jetro Hà Nội cho biết tại họp báo ngày 6.12. Ông khẳng định “không có rào cản” đối với thu hút FDI vào Nhật.
Chính phủ Nhật quyết định thu hút FDI chậm hơn các quốc gia khác, như Mỹ hay Trung Quốc. Và chỉ khi các nhà đầu tư chủ động đầu tư vào Nhật, Chính phủ Nhật mới triển khai các chương trình để thu hút FDI với 5 yếu tố nổi trội của một môi trường đầu tư sáng tạo, chất lượng cao.
Không có giới hạn nào trong đầu tư vào Nhật Bản. Thế nhưng, các nhà đầu tư Việt Nam không nên chỉ tập trung vào các ngành có thế mạnh như công nghệ thông tin hay điều dưỡng, ông Kitagawa Hironobu khuyến cáo.
Trưởng phòng Chuyên trách Việt Nam nói thêm, Chính phủ Nhật không có ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng tùy từng địa phương lại có chương trình hỗ trợ riêng. Ví dụ, khi đầu tư vào tỉnh Kanagawa, nhà đầu tư có thể được hỗ trợ tới 2 triệu Yên cùng sự hướng dẫn tận tình về thủ tục hành chính.
Tiềm năng, song ông Hải cũng lưu ý các nhà đầu tư Việt Nam cân nhắc về chi phí mở văn phòng, thuê nhân công tại Nhật "rất đắt đỏ". Nếu tại Việt Nam, thuê nhân lực nước ngoài ở Việt Nam là 1.500 USD/tháng, thì chi phí ở Nhật lên tới 2.000 thậm chí 3.000 USD.
Theo Jetro, các quốc gia châu Á đang đứng số 1 về FDI vào Nhật, chiếm 34%. Kế đến là Mỹ và các nước bắc Mỹ là 31%, trong khi các nước châu Âu là 31% và 5% còn lại là các quốc gia khác.