Doanh nghiệp lo việc đổi nhãn hàng hóa
Việc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 89/2006 về ghi nhãn hàng hóa đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng. đổi cách ghi nhãn đã áp dụng trong 10 năm qua đồng nghĩa với tốn kém chi phí cho việc thiết kế, in bao bì mới.
Chật vật với ghi nhãn
10 năm trước, vào thời điểm Nghị định 89/2006 về ghi nhãn hàng hóa có hiệu lực, Công ty TNHH Phúc Long (quận 8, TP.HCM) còn trong kho số bao bì trà, bánh... trị giá khoảng 50 triệu đồng chưa dùng tới. Đó là số bao bì mà công ty này đặt in từ năm trước, công ty không thể dùng hết ngay trước ngày phải đổi mẫu bao bì theo cách ghi nhãn mới. Nếu bắt buộc thực hiện đúng quy định, công ty này phải vứt bỏ hết số bao bì còn tồn.
Chính vì lý do trên, không chỉ Công ty Phúc Long mà các DN khác cũng rất lo lắng mỗi khi có sự thay đổi về ghi nhãn hàng hóa. Lý do là DN phải chi ra số tiền lớn để thay đổi bao bì từ cũ sang mới. Chưa kể, nhiều công ty còn tốn thêm chi phí để quảng bá cho khách hàng nhận biết về mẫu mới của mình.
Đặc biệt, với DN thực phẩm thì bao bì sản phẩm không chỉ liên quan đến Nghị định 89/2006 về ghi nhãn mà còn phụ thuộc vào khá nhiều quy định chuyên ngành về thực phẩm, trong đó có các quy chuẩn, các cách ghi nhãn riêng. Các quy định này cứ thay phiên nhau sửa đổi, bổ sung khiến DN xoay xở chật vật.
Trong cuộc gặp gỡ giữa cộng đồng DN với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, cho rằng việc thay đổi quy chuẩn kỹ thuật về sữa đã gây khó cho đơn vị vì phải thay đổi cách ghi nhãn trên vỏ hộp. Trong khi đó, mẫu bao bì hiện đang dùng đã ổn định và quen thuộc với thị trường trong nước lẫn nước ngoài.
Đại diện Công ty Phúc Long cho rằng DN không thể biết khi nào ban hành quy định mới nhãn hàng hóa, cho nên không thể đặt hàng in bao bì cầm chừng chờ nghị định được, mà luôn phải đặt lượng lớn.
“Khi quy định được ban hành thì lại quy định thời gian quá ngắn, DN không dùng kịp số bao bì đã đặt trước đó. Vì vậy, cần quy định ít nhất sau một năm ban hành văn bản thì mới áp dụng bao bì mới để DN kịp xoay xở” - đại diện công ty này kiến nghị.
Cái cần thì lại thiếu
Thông tin về thành phần dinh dưỡng là thông tin quan trọng đối với sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết hiện nay DN không bị bắt buộc ghi thông tin này trên nhãn. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2006 về ghi nhãn hàng hóa cũng không đề cập đến việc ghi thông tin trên.
Trong khi đó, một số nước đã áp dụng cách ghi thành phần của thực phẩm theo định lượng dinh dưỡng cho mỗi ngày. Cách ghi này giúp cho người dùng thấy rõ trong sản phẩm mà mình tiêu thụ cung cấp bao nhiêu % nguồn dinh dưỡng cho một ngày. Ví dụ, Total Fat 8 g 10% nghĩa là chất béo trong sản phẩm này là 8 g, đáp ứng 10% lượng chất béo cần thiết cho cơ thể một ngày.
đa số thực phẩm sản xuất trong nước hiện dù có ghi hàm lượng dinh dưỡng nhưng vẫn chưa ghi tỉ lệ dinh dưỡng đó so với nhu cầu hằng ngày. Do vậy, bà Lý Kim Chi cho rằng trước mắt nên bắt buộc ghi thông tin về dinh dưỡng đối với một số dòng sữa, nước uống, thực phẩm thiết yếu… thường dùng.
“Quy định như vậy để người tiêu dùng làm quen, nhận biết và tạo thói quen quan tâm đến nhãn hàng hóa. Dần dần có thể tiến tới việc ghi thông tin này bắt buộc cho tất cả thực phẩm, tất cả DN” - bà Chi khuyến nghị.
Mỹ ghi nhãn hàng hóa thế nào? Cuối tháng 5 vừa qua, trên website của mình, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công bố quy định mới về ghi nhãn thực phẩm. Có một số thay đổi trong cách ghi thông tin dinh dưỡng. Theo đó, việc đổi cách ghi nhãn không áp dụng cùng lúc cho tất cả DN. Cụ thể DN có doanh số bán hàng trên 10 triệu USD/năm sẽ thực hiện chuyển đổi nhãn trong vòng hai năm. Các DN có doanh số thấp hơn 10 triệu USD/năm còn được cộng thêm một năm nữa để thực hiện sự đổi mới này. Tính ra với DN có doanh thu dưới 10 triệu USD/năm, khoảng thời gian từ khi “rục rịch” thay đổi đến khi chính thức áp dụng mẫu bao bì mới là năm năm. Đặc biệt, trước ngày công bố đến hai năm, các thông tin sơ khởi về việc sẽ thay đổi cách ghi nhãn theo kiểu mới cũng đã được công bố rộng rãi để DN biết và góp ý, chuẩn bị tinh thần. Từ những công khai thông tin ban đầu này, DN đã có thể điều chỉnh lại việc thiết kế, in bao bì của mình để tránh thiệt hại khi có quá nhiều bao bì không hợp với quy định mới. (Theo www.fda.gov) Bổ sung thêm nhiều nhóm Theo tờ trình về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2006 của Bộ KH&CN, việc xây dựng và ban hành nghị định trên là cần thiết. Qua đó nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, chống hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, Nghị định 89/2006 quy định khoảng 50 nhóm sản phẩm phải ghi thông tin riêng bắt buộc. Dự thảo này bổ sung thêm nhiều nhóm sản phẩm mới là nhóm sản phẩm chăm sóc cá nhân, mắt kính, dụng cụ thể thao, dụng cụ làm đẹp, dụng cụ bao gói thực phẩm, mũ bảo hiểm và xe đạp/xe máy điện; khăn ướt, bàn chải đánh răng, bỉm, khẩu trang, bông tẩy trang… phải có hạn sử dụng. |
Nguồn PLO