Doanh nghiệp lạc quan trong chiến tranh thương mại
→Dubai: Cửa ngõ vào thị trường Trung Đông
→Giao nhận ecommerce tranh thủ cơ hội từ Mỹ
Khảo sát “HSBC Navigator: Hiện tại, tương lai và ý nghĩa với doanh nghiệp” được thực hiện với hơn 8.500 doanh nghiệp tại 34 thị trường. Theo kết quả này, doanh nghiệp Việt Nam nằm trong nhóm lạc quan nhất về triển vọng thương mại quốc tế và tự tin nhất về khả năng thành công trong môi trường kinh doanh hiện tại, tỉ lệ lạc quan của nhóm này lên đến 91%.
Cơ sở cho sự lạc quan của doanh nghiệp Việt đến từ các yếu tố như môi trường kinh tế thuận lợi, chi phí vận chuyển - hậu cần giảm và nhu cầu sản phẩm tăng. Ông Winfield Wong, Giám đốc Toàn quốc Khối Dịch vụ tài chính doanh nghiệp tại HSBC Việt Nam, cho biết: “Sự lạc quan của các doanh nghiệp Việt phản ánh một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, được coi là một trong những ngôi sao tại châu Á. Họ lạc quan trên cơ sở cho rằng, được định vị đúng, nhờ kinh tế trong nước tăng trưởng mạnh, niềm tin về triển vọng kinh tế toàn cầu, các thỏa thuận thương mại sâu rộng và quan hệ thương mại phát triển với các thị trường lớn”.
Cụ thể hơn, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định, kinh tế Mỹ đang phát triển tốt nhưng kinh tế thế giới đang đi xuống và trì trệ. Việt Nam là ngoại lệ trong khi các nước trong khu vực có biểu hiện đi xuống.
Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhất châu Á với mức tăng trưởng sản xuất trung bình năm ở mức 2 con số. Trong khi đó, kinh tế nội địa tiếp tục hưởng lợi từ du lịch đang phát triển. Ngoài ra, những hiệp định thương mại cấp vùng cũng được cho là động lực quan trọng, thúc đẩy cơ hội mở rộng sang thị trường mới. Phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát (69%) cho rằng tư cách thành viên trong khối ASEAN mang đến nhiều lợi ích cho triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp. Quan điểm tích cực trên cũng được thể hiện với hiệp định tự do thương mại sắp tới giữa EU và Việt Nam, khi tỉ lệ đạt tới 65%.
Thú vị nhất, các doanh nghiệp dường như không xem căng thẳng thương mại tăng cao trên toàn cầu là yếu tố tác động tiêu cực, ít nhất cho tới thời điểm hiện tại. Chỉ 19% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể cản trở hoạt động doanh nghiệp trong vòng 3 năm tới. Tại thời điểm này, doanh nghiệp thuộc một số mặt hàng như dệt may, thủy sản (cá da trơn) thực tế đang thu lợi không nhỏ khi cánh cửa xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ có xu hướng mở rộng hơn.
Chẳng hạn, khi các mặt hàng cùng loại của Trung Quốc bị đánh thuế cao, cá da trơn nói riêng và thủy sản nói chung của Việt Nam trở thành lựa chọn thay thế gần nhất cho nhu cầu tiêu thụ của người dân Mỹ. Tính riêng tháng 10.2018, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 255 triệu USD, tăng mạnh 54% so với cùng kỳ, lũy kế 10 tháng đầu năm 2018 đạt trên 1,8 tỉ USD (tăng trưởng 24% so với năm trước). Mỹ là một trong những quốc gia bạn hàng chính của xuất khẩu cá da trơn Việt Nam.
Bức tranh xuất khẩu hiện nay của Việt Nam đang lan tỏa với khá nhiều gam màu sáng. Những yếu tố hỗ trợ tích cực gồm có việc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài gián tiếp khiến hàng Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn, vị thế hấp dẫn của Việt Nam như là cấu phần quan trọng trong các hiệp định thương mại và ẩn ước sức mạnh tích lũy dần của đồng USD mạnh dần lên - yếu tố tác động mạnh đến nhập khẩu của Mỹ.
Theo nhà kinh tế Chidu Narayanan của Standard Chartered Bank, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng lên. Trong xu hướng này, rủi ro mà Việt Nam có thể đối mặt là nguy cơ khi chuyển chuỗi giá trị từ việc sản xuất các sản phẩm may mặc mang lại lợi nhuận thấp sang các sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao. Với chiều hướng và chính sách gia tăng bảo hộ của Mỹ hiện nay, rủi ro lớn nhất với Việt Nam là Mỹ sẽ đưa ra các rào cản về thuế, về kỹ thuật đối với các nước đang có thặng dư thương mại với Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
“Trong lúc đang làm rất tốt, doanh nghiệp nên nhìn lại chúng ta cần thay đổi điều gì. Nếu chỉ dựa vào những yếu tố cạnh tranh hiện hữu, việc phát triển bền vững có lẽ sẽ gặp nhiều thách thức. Doanh nghiệp cần cân nhắc đưa công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cũng như hiểu được nhu cầu rất riêng của từng nhóm khách hàng”, ông Phạm Hồng Hải, HSBC Việt Nam, chia sẻ.
Trong lúc thời tiết đang rất tốt, có lẽ chúng ta nên tu bổ lại mái nhà, hơn là đợi lúc cơn mưa kéo đến”, ông Hải ví von