Doanh nghiệp không muốn giãn thuế vì lo "mang nợ"
Doanh nghiệp muốn giảm thuế
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến tháng 9, trung bình, mỗi doanh nghiệp được gia hạn chỉ có 57 triệu đồng thuế VAT, 40 triệu đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, được giảm 103 triệu đồng tiền thuê đất. Với khoảng 10 tỷ đồng tiền miễn, hoàn thuế môn bài năm 2012 cho 33.510 hộ đánh bắt hải sản và làm muối thì có thể ước được mỗi hộ này được "lợi" 298.000 đồng.
Tuy nhiên việc giãn, hoãn thuế không được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao do vẫn chưa giải quyết được khó khăn lớn nhất là cải thiện sức tiêu thụ của thị trường, giảm hàng tồn kho.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết các biện pháp hỗ trợ có giá trị nhất đối với các doanh nghiệp là phải tháo gỡ đầu ra. Theo ông, muốn gỡ đầu ra cho doanh nghiệp, Nhà nước cần giảm thuế, chứ không phải là gia hạn. Đồng thời, Nhà nước cố gắng đẩy mạnh triển khai những dự án về giao thông, nhất là các dự án công vốn ODA, dự án FDI... để kích thích tiêu thụ vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng cần cố gắng giảm nữa.
Chia sẻ với VietnamNet, ông Lương Vạn Vinh, Tổng Giám đốc công ty TNHH Mỹ Hảo không ngại ngần nói: "Để hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực nhất thì vẫn nên là giảm thuế. Hiện, công ty không đăng ký hưởng gia hạn VAT vì xét cho cùng, giải pháp hỗ trợ tưởng được lợi này rốt cục là tạo thêm một gánh nợ và thủ tục hành chính".
Hiệu quả của gói hỗ trợ chưa cao
Đánh giá về gói cứu trợ, TS Nguyễn Đình Cung tham luận tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu bày tỏ: "Các giải pháp giảm, giãn nộp thuế về lý thuyết có giá trị khoảng 36 nghìn tỷ đồng nhưng chỉ là giãn, hoãn nộp thuế. Nói cách khác, nó chỉ có thể giảm gánh nặng có tính thời điểm cho doanh nghiệp. Hệ quả là chất thêm gánh nặng về thuế cho năm 2013 và các năm tiếp theo".
Theo tính toán của ông, lợi ích thực sự mà các doanh nghiệp và người dân có thể được hưởng là khoảng 11 nghìn tỷ đồng theo ý nghĩa là được "chiếm nguồn thu" của ngân sách nhà nước trong thời hạn 6 tháng. Nhưng số giá trị mà doanh nghiệp được hưởng trên thực tế có thể thấp hơn nhiều.
Một giải pháp khác vốn được hầu hết doanh nghiệp mong mỏi là hạ lãi suất vay ngân hàng cũng đã được triển khai. Ông Cung đánh giá, có thể coi đây là giải pháp cơ bản có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp. Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, đến ngày 20/8, số tín dụng với lãi suất cao hơn 15% năm đã giảm từ khoảng trên 70% (trước ngày 15/7) xuống còn khoảng 29% tổng số tín dụng cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dù lãi suất thấp nhưng với đại đa số DN bên bờ vực thua lỗ, đang nợ nần chồng chất thì khó đủ điều kiện để được tiếp tục vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, chi phí mà DN phải thanh toán để vay được vốn có khi còn cao hơn.
Nguồn Vietnamnet