Tập đoàn Khai thác than - khoáng sản.
Doanh nghiệp khoáng sản: Lúng túng chờ gia hạn nộp tiền khai thác
Hiệp hội Doanh nghiệp địa chất và khoáng sản Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 quy định tại mục III phần 3e “Bộ Tài nguyên và Môi trường Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trong tháng 9 năm 2021 về việc gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”.
Ông Đỗ Văn Sơn,Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, mặc dù Nghị quyết yêu cầu các Bộ báo cáo Chính phủ trong tháng 9/2021, nhưng tới thời điểm hiện nay Chính phủ vẫn chưa ra quyết định cuối cùng cho vấn đề này. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sảng đang nóng lòng khi tình hình kinh doanh gặp khó khăn mà chưa có giải pháp khắc phục, khi nào Chính phủ sẽ ra Nghị quyết chính thức cho việc gia hạn nộp tiền cấp quyền?
Các doanh nghiệp cũng băn khoăn việc gia hạn nộp tiền cấp quyền sẽ được thực hiện cho năm nào và gia hạn trong bao lâu? Nếu việc gia hạn này thực hiện cho khoản phải nộp phát sinh trong năm 2021 thì hiện nay đã quá thời hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của năm 2021 (31/10/2021), nhưng Chính phủ vẫn chưa có Nghị quyết chính thức. Trong khi các cơ quan thuế địa phương vẫn đang thúc giục việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tạo áp lực lớn về tài chính cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản.
Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước áp dụng biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ ảnh hưởng lớn đến hoạt động cung ứng vật tư, nguyên, nhiên liệu cho hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, hoạt động tiêu thụ khoáng sản, bố trí nhân sự nhưng địa bàn của mỏ khai thác lại tập trung chủ yếu ở vùng núi, trung du, là những nơi không áp dụng các Chỉ thị 15, 16, nhưng vẫn bị ảnh hưởng gián tiếp bởi sự hạn chế của các hoạt động trên làm cho việc vận chuyển hàng bán khó khăn, nguyên vật liệu mua bị chậm, ảnh hưởng tiến độ sản xuất của nhà máy, bán hàng tiêu thụ nhỏ giọt kể cả bán hàng nội địa và xuất khẩu, nhân lực lao động bị xáo trộn lớn nhất là lao động chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao.
“Vậy Chính phủ có biện pháp nào để giảm thiểu các ảnh hưởng lớn này đến các doanh nghiệp khoáng sản tuy không nằm trong khu vực áp dụng Chỉ thị 15 và 16 nhưng vẫn bị ảnh hưởng lớn của Covid đến hoạt động sảnxuất kinh doanh?”, ông Sơn đặt vấn đề.
Việc xác định các điều kiện, trường hợp Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp được gia hạn nếu chung chung, chưa cụ thể chi tiết cho từng đối tượng thì sẽ khó áp dụng, có thể gây tranh cãi do cách hiểu khác nhau giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế địa phương. Liệu Chính phủ có hướng dẫn các bộ, ngành ban hành các chỉ dẫn cụ thể hơn về việc xác định đối tượng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp cũng như ảnh hưởng gián tiếp do dịch Covid-19 gây ra?
Cùng với đó, việc gia hạn tiền cấp quyền sẽ được thực hiện cho toàn bộ số tiền cấp quyền phải nộp theo thời hạn hay chỉ một phần và cơ sở xác định là như thế nào? Số tiền gia hạn có phụ thuộc vào thiệt hại vật chất thực tế của doanh nghiệp hay không? Việc chứng minh thiệt hại vật chất này được thực hiện như thế nào trong khi thiệt hại lớn nhất của doanh nghiệp là các thiệt hại gián tiếp như, doanh thu, lợi nhuận so với kế hoạch. Các con số này là rất lớn nhưng nếu phải chứng minh để được gia hạn nộp thuế thì sẽ khó chứng minh, thiếu tính thực tiễn và dễ dẫn đến bất đồng quan điểm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý thu ngân sách nhà nước.
Nguồn VOV.VN