Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng không còn là tạm thời như một số nhận định ban đầu mà được dự báo sẽ kéo dài qua năm 2022. Ảnh: Quý Hoà
Doanh nghiệp khó thở vì chuỗi cung ứng
Ảnh hưởng nặng nề
Phillipe Moreau, CEO của Temahome (Pháp), đã phải xoay xở mọi cách như chuyển sang dùng vật liệu khác, mới có thể giữ cho dây chuyền sản xuất tiếp tục vận hành trong bối cảnh thiếu nguồn cung gỗ, hạt nhựa và thép, vốn khiến cho phân nửa trong số 600 chủng loại sản phẩm của Công ty không còn hàng tồn kho từ đầu năm nay. Sản phẩm của công ty sản xuất bàn, kệ gỗ, giá tivi này được xuất đi 45 quốc gia trên thế giới nên việc thiếu nguồn cung đối với những doanh nghiệp như Temahome đang tạo sức ép lên tăng trưởng kinh tế của nước Pháp.
Trên khắp thế giới, các nhà sản xuất mọi thứ từ tủ bếp cho đến ô tô, máy tính đang lao đao do bị gián đoạn nguồn cung nguyên liệu đầu vào thiết yếu, đe dọa đà phục hồi kinh tế hậu COVID-19 và làm đẩy tăng lạm phát. Cùng với nhu cầu tiêu dùng đang tăng lên khi một số nền kinh tế mở cửa trở lại, tại châu Âu, việc thiếu cung này đã đẩy lạm phát lên mức cao một thập kỷ. Giá sản xuất khu vực đồng euro đã tăng với tốc độ hằng năm 12%, nhanh nhất kể từ năm 2001, trong khi lạm phát tiêu dùng cũng ở mức cao 3% trong một thập kỷ vào tháng 8.
Tại Mỹ, các chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2021 và nâng dự báo lạm phát cho năm 2022, theo một cuộc khảo sát của Bloomberg.
Hiện tại, ngay cả các công ty lớn như IKEA cũng bị ảnh hưởng nặng nề và cho biết không thể dự đoán được khi nào nguồn cung bình thường trở lại vì hàng loạt vấn đề như thiếu tài xế xe tải ở Anh. Christopher Tse, CEO Musical Electronics (Hồng Kông), sản xuất các sản phẩm tiêu dùng như loa Bluetooth, khối Rubik, thì cho biết chi phí nam châm sử dụng trong Rubik đã tăng 50% kể từ tháng 3, đẩy tăng chi phí sản xuất lên 7%. “Tôi không biết liệu còn có lãi từ việc sản xuất Rubik hay không vì giá tăng liên tục”, ông nói.
Ở phạm vi toàn cầu, chi phí vận tải cao và hoãn giao hàng do thời tiết xấu và lệnh phong tỏa do COVID-19 ở các cảng lớn của châu Á chính là những điểm nghẽn chủ yếu. “Vận tải đang là cơn ác mộng khi thậm chí một con đinh ốc hoặc một linh kiện nhỏ từ châu Á có thể mất 3 tháng”, Moreau, thuộc Temahome, nói.
Sẽ còn kéo dài
Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng không còn là tạm thời như một số nhận định ban đầu mà được dự báo sẽ kéo dài qua năm 2022 khi biến chủng Delta đang làm tê liệt vô số nhà máy tại châu Á và gián đoạn hoạt động vận tải, logistics.
Các nhà sản xuất do bị thiếu các thành phần sản xuất thiết yếu cùng với giá nguyên vật liệu và năng lượng tăng cao đã buộc phải nhảy vào cuộc chiến giành chỗ trên các con tàu chở hàng, đẩy giá cước vận tải tăng cao kỷ lục. Một số nhà xuất khẩu đã phải tăng giá bán hoặc hủy đơn hàng vận chuyển.
“Tình trạng tắc cảng và thiếu container có thể kéo dài đến quý IV, thậm chí qua giữa năm 2022. Nếu dịch bệnh không được kiểm soát, tình trạng tắc cảng có thể thành một chuyện bình thường”, Hsieh Huey-chuan, Chủ tịch Evergreen Marine Corp (Đài Loan), hãng container lớn thứ 7 thế giới, dự báo.
Chi phí gửi một container từ châu Á sang châu Âu cao gấp 10 lần so với tháng 5.2020 trong khi chi phí từ Thượng Hải sang Los Angeles tăng gấp 6 lần, theo Drewry World Container Index. HSBC Holdings đánh giá chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên mỏng manh đến nỗi một sự cố nhỏ cũng đủ gây tác động rộng khắp.
Các nhà bán lẻ lớn có xu hướng ký hợp đồng dài hạn với các hãng tàu container nhưng ngành sản xuất châu Á thì dựa vào mạng lưới hàng chục ngàn nhà sản xuất nhỏ và vừa, vốn thường chuyển hàng qua các công ty logistics, giao nhận hàng hóa. Những hãng vận tải này lại khó tìm chỗ trên các con tàu cho khách hàng của mình vì hiện các chủ tàu chỉ nhận vận chuyển cho những đơn vị ra giá cao nhất.
“Giờ các hãng container không ký hợp đồng vận tải dài hạn, mà hầu hết chốt giá giao ngay”, Jason Lo, CEO của Johnson Health Tech, nhà sản xuất thiết bị tập gym Đài Loan, cho biết. Ông nói thêm: “Chúng tôi không thể nào ước tính được chi phí vận tải và lên kế hoạch tài chính nhưng giờ không có lựa chọn nào khác”.
Tái cơ cấu lớn trong các chuỗi cung ứng thế giới
Vào lúc này, nhiều sự chú ý đang tập trung vào khu vực Đông Nam Á, vốn đang nổi lên là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong vài thập kỷ qua, trong đó Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đã trở thành các trung tâm sản xuất lớn của thế giới. Nhưng Đông Nam Á đang bị khốn đốn bởi biến chủng Delta trong những tháng gần đây, dẫn đến nhiều nhà máy phải đóng cửa.
Kết quả khảo sát trên khoảng 2.100 nhà máy chỉ ra, sản xuất trên khắp khu vực đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và vẫn suy giảm mạnh trong suốt tháng 8.2021. “Tốc độ suy giảm mạnh nhất là ở Myanmar, Việt Nam và Malaysia”, chuyên gia kinh tế Lewis Cooper thuộc IHS Markit nhận xét.
Kết quả khảo sát trên khoảng 2.100 nhà máy chỉ ra, sản xuất trên khắp khu vực đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và vẫn suy giảm mạnh trong suốt tháng 8.2021. Ảnh: Quý Hoà |
Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế trưởng châu Á - Thái Bình Dương của IHS Markit, cho biết các tập đoàn đa quốc gia như Samsung và Toyota đã đối mặt với những thách thức về sản xuất. Ông cho biết, Samsung đã cố gắng xoay xở bằng cách chuyển sản xuất sang các vùng khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ, nhưng Toyota buộc phải đóng cửa tạm thời nhiều dây chuyển sản xuất ô tô do gián đoạn chuỗi cung ứng tại các trung tâm sản xuất Đông Nam Á.
Theo Sian Fenner, chuyên gia kinh tế trưởng châu Á thuộc Oxford Economics, nhanh chóng tiêm chủng vaccine là nhiệm vụ ưu tiên cấp bách nhất để kiểm soát dịch bệnh. Thêm vào đó, cần ưu tiên vaccine cho công nhân ở các ngành lĩnh vực quan trọng như sản xuất, logistics và bến cảng cũng như thiết lập vùng làm việc an toàn cho công nhân để hạn chế rủi ro lây lan trong các nhà máy.
Trong khi đó, Biwas, thuộc IHS Markit, nhấn mạnh đại dịch sẽ dẫn đến cuộc tái cơ cấu lớn trong các chuỗi cung ứng thế giới. “Nó sẽ thúc đẩy sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như dẫn đến công suất sản xuất nội địa gia tăng ở những lĩnh vực quan trọng như thiết bị y tế, sản xuất vaccine và sản xuất các thiết bị điện tử chủ chốt, đặc biệt là chip”, Biwas nói.
Alicia Garcia-Herrero, thuộc Bruegel cũng đồng quan điểm: “Một số hoạt động sản xuất sẽ quay về nội địa đối với những thành phần quan trọng trong chuỗi giá trị, đồng thời sẽ đẩy mạnh sự đa dạng hóa đối với những thành phần được sản xuất ở nước ngoài, có lẽ đưa về gần với thị trường nội địa hơn”.