Thứ Năm | 02/05/2013 07:42

Doanh nghiệp khó tham gia đấu thầu vàng

Quy định khắt khe, khối lượng đặt thầu lớn trong khi không vay được vốn ngân hàng khiến nhiều doanh nghiệp cỡ 100 tỷ đồng đang khó tham gia.
Hàng loạt các phiên đầu thầu vàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức nhằm bình ổn thị trường. Tuy nhiên, sau hơn chục phiên công khai đấu thầu, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, còn thiếu bình đẳng trong đấu thầu vàng miếng, khi các quy định do NHNN đặt ra ngày càng khắt khe hơn.

Giở lại quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, doanh nghiệp được NHNN xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 5 điều kiện: doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất; và phải có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Tổ chức tín dụng được xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 3 điều kiện sau: Có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng; Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Theo Hiệp hội kinh doanh vàng, các phiên đấu thầu liên tiếp gần đây, NHNN quy định khối lượng đặt thầu tối thiểu là 1.000 lượng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có số vốn lưu động lớn để thanh toán cho NHNN trong thời gian rất ngắn sau khi trúng thầu. Trong khi doanh nghiệp không thể vay vốn từ ngân hàng khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa khó tham gia đấu thầu.

Nếu khối lượng đặt thầu tối thiểu phải là 1.000 lượng (tương đương khoảng hơn 40 tỷ đồng), thì quả thực doanh nghiệp sẽ khó xoay sở. Không chỉ vậy, các phiên đấu thầu diễn ra liên tiếp, càng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.

Lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, nếu ba phiên diễn ra liên tiếp, doanh nghiệp khó kiếm đâu kịp số tiền xấp xỉ thậm chí hơn cả vốn điều lệ theo quy định. Trong khi đó, mua được vàng rồi đem bán ra thị trường, doanh nghiệp cũng không thể thu hồi ngay được khoản vốn khổng lồ vừa bỏ ra.

Rõ ràng lợi thế đang nghiêng về các ngân hàng thương mại, nơi có vốn lớn, huy động nguồn tiền nhanh.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đang thanh tra các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có giao dịch về vàng, để đảm bảo việc kinh doanh vàng tuân thủ đúng quy định. Trường hợp phát hiện sai phạm, NHNN sẽ xử lý nghiêm...

Nguồn VnMedia


Sự kiện