Thứ Năm | 11/07/2013 09:33

Doanh nghiệp huy động vàng: Rủi ro thì người gửi trắng tay

Thị trường vàng đang đối mặt với thách thức mới đòi hỏi có sự hướng dẫn cụ thể của NHNN.
Sau thời hạn "đóng" trạng thái huy động cho vay vàng của các ngân hàng thương mại (NHTM), khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới vẫn chưa giảm như kỳ vọng.

Đồng thời, khi ngân hàng nhà nước (NHNN) yêu cầu các NHTM chấm dứt huy động và cho vay vàng thì lại xuất hiện những doanh nghiệp kinh doanh vàng thực hiện việc huy động vàng trong dân. Điều này có thể khiến thị trường vàng lại đối mặt với thách thức mới đòi hỏi có sự hướng dẫn cụ thể của NHNN nhằm ổn định thị trường.

Nhu cầu đó xuất phát từ cả phía người dân và NHTM, bởi theo thông tin từ NHNN chi nhánh TPHCM thì vẫn còn 3 ngân hàng chưa hoàn thành việc tất toán với khoảng 490 lượng, riêng đối với trạng thái cho vay vàng, số lượng còn khoảng 9 tấn. Đã hơn 1 tuần kể từ sau thời hạn 30/6, thời điểm mà các NHTM đóng trạng thái huy động và cho vay vàng nhưng NHNN vẫn phải liên tiếp tổ chức phiên đấu thầu để tăng cung ra thị trường vì nhu cầu vàng trên thị trường vẫn rất cao.

Nhiều ngân hàng còn chưa tất toán được số lượng vàng đã cho khách hàng vay và họ đang đàm phán chuyển đổi các hợp đồng vay vàng sang tiền đồng. Tuy nhiên, để thực hiện không đơn giản vì số vàng huy động gần như không còn, trong khi lượng vàng cho vay còn khá cao. Vì vậy những ngân hàng này sẽ phải mua vàng cân đối trạng thái.

Trong khi đó, một số ngân hàng thực hiện việc chấm dứt huy động vàng dẫn đến tình trạng "nở rộ" dịch vụ giữ hộ vàng của các tổ chức tín dụng, đặc biệt xuất hiện việc huy động vàng của các công ty kinh doanh vàng. Đại diện nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng cho rằng đây là hoạt động huy động hợp pháp.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn đá quý Doji cho biết: "NHNN không quản lý các hoạt động huy động cho mục tiêu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. NHNN chỉ quản lý các hoạt động mang tính chất tín dụng gồm có huy động vàng để cho vay huy động vàng để bán vàng lấy tiền cho vay. Đấy là hoạt động tín dụng của NHTM".

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dù việc huy động vàng của các công ty kinh doanh vàng không bị nhà nước cấm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng gửi vàng bởi đó chỉ là thỏa thuận dân sự, trong khi các doanh nghiệp không có chức năng như tổ chức tín dụnglà huy động.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích:"Nếu người dân gửi vàng cho doanh nghiệp như dạng huy động mà lấy cho mình phần lãi suất thì chắc chắn rủi ro cao hơn là vào ngân hàng. Bởi vì khi huy động trong ngân hàng, người dân được tái bảo hiểm dù là tiền lớn, tiền nhỏ, khi có rủi ro cho ngân hàng đó thì công ty tái bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm đền bù. Còn các công ty kinh doanh vàng bình thường nhận vàng và cho vay thì khi họ bị phá sản thì theo Luật phá sản. Nghĩa là, DN trang trải trải tất cả các nghĩa vụ sau đó mới trả các khoản vay nếu hết tiền thì người gửi cũng mất theo".

Việc chấm dứt huy động vàng của các tổ chức tín dụng được thực hiện với mục tiêu dài hạn là chống "vàng hóa" nền kinh tế. Tuy nhiên, những diễn biến của thị trường như thời gian qua cho thấy nhu cầu tích trữ vàng của người dân rất lớn. Vì thế, khi chưa xóa bỏ hình thức cất trữ cũ thì đã và đang hình thành phương thức cất trữ mới.

Do vậy, với vai trò là người mua bán cuối cùng trên thị trường, NHNN cũng đối mặt với thách thức là làm thế nào loại bỏ được yếu tố đầu cơ, trục lợi và duy trì được nguồn cung vàng ra thị trường mà không ảnh hưởng đến tỷ giá và dự trữ ngoại hối quốc gia?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu rõ: "Nếu các NHTM không được phép huy động vàng sẽ mang lại rủi ro cao cho ngân hàng và khách hàng. Có lẽ nên áp dụng quy định đó với các nhà kinh doanh vàng để tránh tạo ra sự không nhất quán của các tổ chức tài chính, đạt mục tiêu chống vàng hóa. NHNN có khả năng huy động vàng nên có thể phát hành chứng chỉ vàng hay trái phiếu bảo đảm bằng vàng và trả lãi cho người dân, đồng thời NHNN cho chính phủ vay để phục vụ mục đích phát triển kinh tế".

Trước mắt, vẫn còn nhiều thách thức trong bình ổn thị trường vàng trong dài hạn. Trong giai đoạn hiện nay, NHNN cần tăng cường thanh, kiểm tra các tổ chức tín dụng cũng như xác định chính xác lực cầu của thị trường, hướng tới bình ổn thị trường vàng.

Nguồn VOV


Sự kiện