Doanh nghiệp hồ hởi chờ được hạ lãi suất cho vay
Giảm chút nào, mừng chút ấy
Ông Chu Xuân Ái, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh cho biết: Là DN chuyên XK chè tới nhiều thị trường lớn trên thế giới, Công ty luôn cần vay nguồn vốn nhất định từ ngân hàng để duy trì và mở rộng sản xuất. Hiện nay, ngoài nguồn vốn vay trung hạn dùng để xây dựng nhà máy, Công ty đang vay khoảng 50 tỷ đồng vốn lưu động với mức lãi suất 9%/năm.
Do đó, DN rất vui mừng trước thông tin từ ngày 18-3, NHNN giảm nhiều loại lãi suất, đặc biệt là giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ từ 9%/năm xuống 8%/năm đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, XK, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao. Ông Chu Xuân Ái vui mừng là bởi, mặc dù mức giảm chỉ 1% nhưng cũng khiến DN tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ.
“Công ty Tôn Vinh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có XK, lại là DN vừa và nhỏ nên vẫn luôn là đối tượng được hưởng ưu tiên cao, vay vốn với lãi suất ưu đãi. Trong đợt giảm trần lãi suất lần này, Công ty mong các ngân hàng nhanh chóng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN tiếp cận nguồn vốn”, ông Ái nói.
Ông Nguyễn Văn Bổng, Giám đốc Công ty CP Xi măng Sài Sơn cho hay: Công ty có nguồn vốn vay ngân hàng cả trung hạn và ngắn hạn lên tới 150 tỷ đồng nên rất phấn khởi trước thông tin NHNN quyết định hạ nhiều loại lãi suất. Hiện, hầu hết DN muốn duy trì sản xuất, kinh doanh đều phải dựa một phần vào vốn vay ngân hàng. Do đó, lãi suất vay giảm được chút nào, DN mừng chút đó. Ông Bổng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, ngân hàng nghiên cứu để tiếp tục hạ thấp lãi suất cho vay, ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho DN.
Mong lãi suất ngang tầm khu vực
Mặc dù khá vui mừng trước thông tin giảm lãi suất lần này của NHNN nhưng ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty CP Thúy Đạt lại cho rằng, mức giảm đó vẫn chưa sát so với thực tế và chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của DN. Theo ông Châu, đất nước ngày càng hội nhập sâu, để có thể cạnh tranh được với các đối thủ trên thị trường quốc tế, DN Việt Nam cần phải có xuất phát điểm tương đối cân xứng. Cụ thể như đối với lãi suất cho vay tại Việt Nam, dù giảm xuống mức 8%/năm thì vẫn là cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới.
Riêng Công ty Thúy Đạt, với mức lãi suất vay hiện tại, Công ty đang có chi phí sản xuất/1 sản phẩm cao hơn hẳn nhiều DN tại các quốc gia khác. Do đó, Công ty thường xuyên phải cân đối mọi yếu tố, cố gắng giảm thấp mức lợi nhuận để đưa ra giá XK phù hợp, nhằm duy trì sức cạnh tranh. Ông Châu bày tỏ mong muốn, mức lãi suất cho vay tại Việt Nam có thể giảm xuống khoảng 5-6%/năm, ngang bằng với nhiều quốc gia trong khu vực.
Theo ông Châu, lần giảm lãi suất cho vay này của NHNN đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, XK, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao chỉ áp dụng với khoản vay ngắn hạn cũng là điểm khiến nhiều DN băn khoăn. Bởi những DN quay vòng vốn nhanh thì được lợi còn nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực quay vòng vốn chậm thì ưu đãi không có nhiều tác dụng. Ông Châu đề xuất, ngân hàng có thể nghiên cứu để hạ mức lãi suất cho vay dài hạn chứ không chỉ dừng lại ở ngắn hạn.
Liên quan tới vấn đề này, ông Chu Xuân Ái cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đã là động thái khá tích cực với DN. Trước mắt, DN nên cố gắng điều chỉnh hoạt động để tận dụng tối đa ưu đãi này.
“Bên cạnh trông đợi vào việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay, mỗi DN nên dần tạo uy tín, quan hệ tốt với phía ngân hàng để có thể được ngân hàng tín nhiệm, cho vay tiền theo hình thức tín chấp chứ không cần phải thế chấp. Thực tế, hiện Công ty Tôn Vinh đang vay ngân hàng theo hình thức tín chấp số tiền lên tới hơn 10 tỷ đồng. Đây là một hướng để DN có thể duy trì nguồn vốn, ổn định sản xuất chứ không chỉ nhấp nhổm trông đợi vào động thái tăng, giảm lãi suất từ phía ngân hàng”, ông Chu Xuân Ái nhấn mạnh.
Nguồn Báo Hải quan