Doanh nghiệp hàng hải cầu cứu ngân hàng mong giảm lỗ
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán 2013, Công ty Cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart - Mã CK: VST) lỗ gần 225 tỷ đồng, cao hơn 100 tỷ đồng so với mức lỗ năm 2012. Lỗ hai năm liên tiếp khiến vốn chủ sở hữu của công ty âm một nửa (gần 300 tỷ đồng). Cổ phiếu VST cũng đã bị đưa vào diện cảnh báo và nguy cơ bị đưa vào diện kiểm soát.
VST kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính có chính sách hỗ trợ ngành vận tải biển để giảm lỗ, duy trì đội tàu chờ thị trường phục hồi. |
Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng lưu ý năm 2013, VST ghi nhận thiếu chi phí lãi vay gần 120 tỷ đồng và chi phí khấu hao tài sản cố định 8,7 tỷ đồng. Theo ông Trương Đình Sơn - Tổng giám đốc công ty, hầu hết các ngân hàng đã đồng ý cho VST giãn nợ đến hết năm 2015, kéo dài thời gian trả nợ từ một đến 4 năm tùy từng dự án, do đó công ty tạm chưa trích phần lãi vay phải trả và sẽ tiến hành phân bổ từ 2016 đến 2023.
Tại 31/12/2013, tổng các khoản vay và nợ ngắn hạn, dài hạn của VST lên tới gần 2.090 tỷ đồng, chiếm 85% tổng tài sản. Trong đó, báo cáo kiểm toán ghi nhận Ngân hàng Hàng hải (MSB), nơi công ty đang nợ 445 tỷ đồng, đã đồng ý gia hạn một số khoản vay mua tàu đến 2020-2023.
Ngân hàng Á Châu (ACB) đang có khoản dư nợ hơn 420 tỷ đồng cũng cho gia hạn khoản vay mua tàu VTC Sun, VTC Planet và VTC Dragon đến năm 2019 và 2020. Các ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bảo Việt, Ngoại thương cũng gia hạn cho công ty đến sau năm 2017.
Liên quan đến chi phí khấu hao, VST cho biết năm 2012, công ty được hưởng chính sách giảm 75% khấu hao cơ bản với tổng chi phí được giảm là 158 tỷ đồng, trong đó có 62 tỷ đồng khấu hao của tàu VTC Light đã được hạch toán trong năm 2013. Công ty dự kiến phân bổ 96 tỷ đồng khấu hao còn lại từ năm 2016 trở đi hoặc vào năm bán tài sản, hay khi thị trường tốt sẽ tăng khấu hao nhanh để bù đắp.
Trước bối cảnh lỗ hàng trăm tỷ đồng, trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, VST tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền phương án bổ sung vốn lưu động, tích cực đẩy mạnh việc xin chính sách, chủ trương hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tài chính cho ngành vận tải biển nhằm giảm lỗ, duy trì đội tàu để chờ thị trường vận tải biển phục hồi.
"Mục tiêu của doanh nghiệp hiện nay là tồn tại, chờ cơ hội thị trường hồi phục", ông Sơn cho hay. Theo đó, VST sẽ duy trì hoạt động khai thác đội tàu, không để tàu bị bắt giữ bởi những nhà cung cấp nhiên liệu nước ngoài do nợ quá hạn nhiều, cũng như không để tàu nằm bờ vì thiếu vốn lưu động cung cấp nhiên liệu, bảo hiểm, đăng kiểm, sửa chữa...
Ngoài ra, tiếp tục đàm phán, thống nhất lịch trả nợ và lãi vay tại các ngân hàng có vốn góp chi phối của Nhà nước theo hướng xóa lãi vay năm 2012 - 2013, khoanh nợ gốc trong giai đoạn từ 2014 - 2018. Bên cạnh đó, để dự phòng rủi ro, công ty dự kiến bán 1-2 tàu để có nguồn tiền bổ sung vốn lưu động và có khả năng ghi nhận khoản lợi nhuận khác và giảm lỗ.
Trong quý I/2014, ông Sơn cho biết doanh thu vận tải đội tàu đạt 264 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Công ty dự kiến cơ cấu lại một số tuyến khai thác và hình thức cho thuê tàu, bên cạnh việc duy trì hoạt động tại các thị trường truyền thống như Brazil, Argentina, Tây Phi...
Với các biện pháp đề ra, VST xác định mục tiêu giảm lỗ, tiến tới cân bằng thu chi trong năm 2014, tạo tiền đề cho năm 2015 khôi phục và từng bước đi vào ổn định.
VST có vốn điều lệ 590 tỷ đồng, trong đó 60% do Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) nắm giữ. Tính đến tháng 8/2013, công ty có 12 tàu hàng và là doanh nghiệp có đội tàu lớn thứ 4 trong hệ thống của Vinalines.
Nguồn Vnexpress.net