Tính đến hết tháng 5.2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt hơn 6,42 tỉ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: TL.

 
Minh Anh Thứ Sáu | 09/07/2021 15:16

Doanh nghiệp gỗ nỗ lực và chủ động tận dụng cơ hội trong dịch

Mặc dù dịch bệnh khiến nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng ngành gỗ vẫn khá tốt và thậm chí có thời điểm còn tăng trưởng hơn mong đợi.

Vẫn tăng trưởng tốt

Ở thời điểm giãn cách xã hội năm ngoái, chúng tôi đã tăng trưởng 20% xuất khẩu sản phẩm gỗ, đại diện cho một công ty chuyên xuất khẩu nội thất, chia sẻ với người viết, tại triển lãm lãm ngành gỗ diễn ra vào cuối tháng 4.2021 vừa qua.

Theo Công ty xuất khẩu này, dường như việc ở nhà trong thời gian khá dài đã khiến cho người tiêu dùng nhàm chán với không gian sống và họ muốn thay đổi nội thất trong nhà. Thực tế không chỉ thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, mà thị trường trong nước cũng có xu hướng này.

Theo thống kê hải quan, tính đến hết tháng 5.2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt hơn 6,42 tỉ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 4,96 tỉ USD, tăng gần 57% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là con số xuất khẩu cao kỷ lục, vượt lên những tác động do dịch COVID-19 mang lại, trong khi nhiều ngành hàng khác vẫn đang ngập trong khó khăn.

Ảnh; TL.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 6 tháng 2021 ngành gỗ nhận 23 dự án mới từ 9 quốc gia/vùng lãnh thổ. Ảnh:TL.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 6 tháng 2021 ngành gỗ nhận 23 dự án mới từ 9 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng số vốn 136,056 triệu USD; 10 lượt tăng vốn với tổng vốn tăng đạt 45,28 triệu USD; 26 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn 41,14 triệu USD. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc với 12 dự án, tổng vốn đầu tư 29,26 triệu USD; Hàn Quốc với 2 dự án, tổng vốn 8,14 triệu USD; Nhật Bản với 2 dự án, tổng vốn 1,265 triệu USD…

Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), ông Nguyễn Chánh Phương, chia sẻ: "Lợi thế của Việt Nam là có môi trường sản xuất an toàn nhờ kiểm soát dịch COVID-19 một cách chặt chẽ trong khi hàng loạt quốc gia phải tạm dừng sản xuất, đóng cửa nhà máy. Mặt khác, các doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất Việt Nam có khả năng nhận diện thị trường tốt và tận dụng các cơ hội khá hiệu quả".

Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products) chia sẻ, trong năm nay công ty còn có thêm một số khách hàng mới ở thị trường Mỹ dẫn đến đơn hàng năm 2021 đã tăng khoảng 30% so với thời điểm này của năm 2019. Những khách hàng này là khách hàng dịch chuyển từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam. Do đó, công ty Việt Products cũng đã chuẩn bị lực lượng lao động đủ để thực hiện các đơn hàng này cho đến cuối năm 2021.

Đơn hàng đến cuối năm

Cũng như vậy, nhiều doanh nghiệp và chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, mỹ nghệ thuộc Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Hồ Chí Minh (HAWA) cũng đã nhận đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài cho đến cuối năm 2021. Đây là bước tăng trưởng khá tốt của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ so với trước thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19, ông Nguyễn Chánh Phương cho biết.

Ảnh; TL.
Hiện, doanh nghiệp ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Ảnh:TL.

Nếu như 3 năm trước, các nhà mua hàng thế giới khi xếp lịch đến tìm hiểu nơi sản xuất thường sẽ chọn tới Trung Quốc trước, sau đó mới đến Việt Nam thì hiện nay đã ngược lại. Nguyên nhân là nhờ doanh nghiệp Việt gần đây có sự thay đổi rất lớn về mẫu mã và phong cách bán hàng, đồng thời bắt kịp những tiêu chuẩn xuất khẩu và chủ động marketing sản phẩm.

Hiện, doanh nghiệp ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Do đó, dù dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng tìm nguồn cung tại Việt Nam ngày một tăng.

GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%