Xuất khẩu gỗ quý I/2022 đạt kim ngạch 3,94 tỉ USD. Ảnh: TL.
Doanh nghiệp gỗ không thiếu đơn hàng nhưng nhiều nỗi lo
Nhà phân phối tăng cường đến Việt Nam mua hàng
Năm 2019, Công ty Mitchell Gold + Bob Williams, một nhà mua hàng cho các chuỗi bán lẻ nội thất tại Mỹ đã chuyển dịch từ mua hàng từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia sang mua hàng tại Việt Nam.
Bà Tracy Trần, đại diện Công ty Mitchell Gold + Bob Williams, cho biết, ban đầu, chúng tôi có 4 nhà máy cung cấp từ Việt Nam, nay con số tăng lên 16. "Tỉ lệ mua hàng từ Việt Nam đã chiếm khoảng 70% tổng sản lượng mua hàng toàn thế giới của chúng tôi", bà Tracy chia sẻ.
Việc gặp trực tiếp trao đổi đã giúp chúng tôi có thêm nhiều đối tác mới tại Việt Nam, bà Tracy Trần chia sẻ. Cũng theo bà, trước đây công ty từng bỏ qua 1 đối tác ở Việt Nam vì chưa hiểu rõ về nhau, nhưng trong buổi gặp trực tiếp tại tại sự kiện Vietnam Furniture Matching Week được tổ chức vào năm ngoái, 2 bên đã tìm được tiếng nói chung.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ tại Việt Nam đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý III, thậm chí cuối năm. Ảnh: TL. |
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), chia sẻ tại sự kiện kiện Vietnam Furniture Matching Week (VFMW) 2022 cho biết: tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến quý III, thậm chí hết năm.
Bà Dương Thị Minh Tuệ, Giám đốc kinh doanh công ty Gỗ Minh Dương cho biết, đơn hàng đi Mỹ, châu Âu của công ty đã kín đến hết quý III. "Chúng tôi đang tiếp nhận đơn hàng cho quý IV", bà Tuệ , chia sẻ.
Cũng theo ông Phương, xuất khẩu gỗ quý I đạt kim ngạch 3,94 tỉ USD, tăng trưởng 3% so với cùng kỳ 2021. "Nếu xuất khẩu duy trì tốc độ 1,5 tỉ USD mỗi tháng, kế hoạch cả năm 16,5 tỉ USD có thể đạt được", ông Phương nhận định.
Vẫn đối diện nhiều khó khăn
Theo ông Phương, hiện nay các doanh nghiệp gỗ nội thất chịu áp lực lớn về chi phí sản xuất, vận chuyển. Giá nguyên liệu đầu vào cao dù 70% nguyên liệu của ngành gỗ nội thất Việt Nam là nội địa. "Phần nguồn cung còn lại vẫn phải nhập từ châu Âu, Mỹ và Nam Mỹ nên áp lực giá đầu vào lớn", ông Phương nói.
Hai chi phí khác là giá nhân công và logistics cũng tăng. Trong đó, giá logistics chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn leo thang do khủng hoảng Ukraine. Thông thường, giá trị một container nội thất bán FOB (giao hàng lên tàu) của Việt Nam xuất đi khoảng 10.000 -15.000 USD.
Tuy nhiên, giá vận chuyển đã gần hoặc đôi khi cao hơn giá hàng. Một container đi châu Âu hiện dao động 6.000 -8.000 USD, đi Mỹ tầm 10.000 -12.000 USD. So với cách đây một năm, giá vận chuyển đã tăng khoảng 30%.
Các doanh nghiệp cho rằng, điều này ảnh hưởng đến chi phí nhà nhập khẩu khiến họ đắn đo hơn khi nhập hàng, làm hạn chế sức mua. Với những đơn đã đặt, một số nhà thu mua hoãn nhập, chờ có container rẻ hơn.
Nhằm giúp các doanh nghiệp gỗ có thể tiếp cận các đơn hàng mới và tiếp cận thêm nhiều thị trường, HAWA phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức tuần lễ Vietnam Furniture Matching Week (VFMW) 2022 từ 13 – 20/4/2022.
Chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ & Thủ công mỹ nghệ Việt Nam mở rộng tìm kiếm khách hàng ở cả thị trường Xuất khẩu và nội địa, cũng là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận những dịch vụ chuỗi cung ứng ngành.
Có thể bạn quan tâm:
Thế Giới Di Động muốn bán 20% cổ phần Bách Hóa Xanh, lấy tiền mở rộng hệ thống