Thứ Hai | 17/12/2012 11:14

"Doanh nghiệp giải thể phù hợp với nội lực nền kinh tế"

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, cần phải có sự đào thải thì nền kinh tế mới khỏe và có sự phát triển.
Doanh nghiệp yếu sẽ phải đào thải

Số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 11 tháng đầu năm 2012, cả nước đã có 62.794 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 403.000 tỷ đồng, giảm 10% về số lượng doanh nghiệp và giảm 8,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.

Số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể là 48.473 doanh nghiệp, trong đó 39.936 doanh nghiệp dừng hoạt động và 8.537 doanh nghiệp đã giải thể.

Làm rõ hơn sự khó khăn của doanh nghiệp, tại một hội thảo mới đây, ông Bùi Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, dự báo trong năm 2012 sẽ có khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và có khoảng 65.000 doanh nghiệp thành lập mới.

Ông Tuấn nhận định trước đây với đà tăng trưởng mạnh của nền kinh tế thì khi doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động với số lượng đáng kể thì được coi là điều bất thường. Nhưng với con số nêu trên, ông Tuấn cho rằng nó phù hợp với nội lực của nền kinh tế (từ 60.000 - 65.000 doanh nghiệp được thành lập/năm).

Ông Bùi Anh Tuấn đưa ra lập luận, có doanh nghiệp thành lập thì phải có doanh nghiệp giải thể, nó cũng giống như cơ thể con người, có sự đào thải thì cơ thể mới khỏe và đó là nền kinh tế có sự phát triển.

Ông Bùi Anh Tuấn cũng cho rằng, căn cứ vào tình hình doanh nghiệp từ năm 2010 - 2012, sự đổ vỡ hàng loạt doanh nghiệp đã không xảy ra như dự đoán khi mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn có khả năng đứng trụ vững.

Chính sách đang không thực sự có hiệu quả

Trước sự khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ đã đưa ra khá nhiều các giải pháp nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh... nhưng khi thực hiện trong thực tế, do nhiều nguyên nhân lại không phát huy được tính hiệu quả.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, chính những chính sách hỗ trợ tăng trưởng theo mô hình cũ trong giai đoạn 2006-2007 là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp dẫn tới lạm phát cao và bất ổn vĩ mô của những năm tiếp theo. Tiêu dùng và đầu tư thiếu thận trọng và quá mức thu nhập thực của nền kinh tế đã dẫn đến sai lệch về phân bố nguồn lực trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế và ở cả từng doanh nghiệp.

Hơn nữa, công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập còn thiếu công khai, minh bạch và chính sự “mập mờ” về chính sách, pháp luật làm phát sinh nạn nhũng nhiễu, của một bộ phận cán bộ, công chức trong quá trình quản lý doanh nghiệp, ông Cung khẳng định.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp cũng thừa nhận, hiện nay chính sách của ta chưa lấy doanh nghiệp làm trọng tâm.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, chúng ta không có nhiều chính sách tốt, nhưng những chính sách tốt lại không được thực hiện tốt, nhiều chính sách tốt bị khắc chế bởi những quyết định tồi. Ban hành chính sách của chúng ta cũng thiếu tiếp cận thực tế, có thể chính sách tốt nhưng chưa phải cái doanh nghiệp mong đợi. Công cụ pháp luật ít nghiêm, nhưng quyết định hành chính quá nhiều, tràn lan làm khó cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Đình Ánh thì nhìn nhận, dường như các chính sách chỉ để tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý chứ không phải để hỗ trợ doanh nghiệp. Do vậy, cần phải thay đổi lại quy trình làm luật.

Nguồn Khampha/FIA


Sự kiện