Trong 9 tháng đầu năm 2022, có 18,75 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam. Ảnh: Quý Hòa.
Doanh nghiệp FDI tạo ra 392,5 nghìn tỉ đồng mỗi năm giai đoạn 2016-2020
Sau hơn 30 năm mở cửa thu hút đầu tư, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng đối với phát triển Kinh tế- Xã hội. Sự tăng trưởng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài không chỉ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đẩy nhanh thời gian mở rộng thị trường quốc tế, mà ngày càng cải tiến hơn về nhiều mặt trong hoạt động kinh doanh (chuyên môn, công nghệ, kỹ thuật…), giảm gánh nặng về vốn cho nhiều dự án trong nước.
Bên cạnh đó, việc thu hút và sử dụng nguồn vốn nước ngoài còn góp phần tác động thúc đẩy chuyển dịch, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, sản phẩm, dịch vụ; thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách pháp luật, môi trường kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.
Thời gian qua, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng và kể cả khi toàn cầu chịu tác động không nhỏ của đại dịch COVID-19, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn không giảm về độ sôi động, tính hiệu quả và chất lượng.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, có 18,75 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam với 1.355 dự án cấp mới. Đây có thể nói là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy Việt Nam vẫn đang giữ vững được vị trí là một địa điểm đầu tư đáng tin cậy.
Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI của Việt Nam cũng rất tốt khi nhóm này đóng góp tỉ trọng khá cao trong cơ cấu lợi nhuận của các doanh nghiệp. Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy bình quân giai đoạn 2016-2020 mỗi năm doanh nghiệp đang hoạt động, có kết quả sản xuất tạo ra 865,6 nghìn tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 88,9% so với mức lợi nhuận thu được bình quân giai đoạn 2011-2015.
Trong đó, bình quân giai đoạn 2016-2020 so với bình quân giai đoạn 2011-2015 mỗi năm doanh nghiệp FDI tạo ra 392,5 nghìn tỉ đồng, chiếm 45,3% tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp, tăng 111,6%. Trong khi đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 275,1 nghìn tỉ đồng, chiếm 31,8%, tăng 172,9%; doanh nghiệp nhà nước tạo ra 198 nghìn tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, chiếm 22,9%, tăng 15,2%.
Nếu chỉ xét riêng năm 2020, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2020, doanh nghiệp FDI tạo ra lợi nhuận cao nhất trong toàn bộ doanh nghiệp, đạt 463,1 nghìn tỉ đồng, tăng 14,1% so với năm 2019. Cùng với đó, doanh nghiệp FDI cũng là nhóm có hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao nhất, đạt 12,8% trong năm 2020.
Có thể bạn quan tâm