Doanh nghiệp FDI chê lãi suất ngân hàng nội
Ông Hoàng Văn Thành, Kế toán trưởng của Công ty Dây đồng Việt Nam CFT - một công ty của Nhật, cho biết công ty ông đang vay vốn ngoại tệ từ một ngân hàng Nhật với lãi suất chỉ 1%/năm và hạn mức đến 40 triệu đô la Mỹ, nên ông không có lý do gì phải vay vốn tại các ngân hàng trong nước lãi suất cao hơn nhiều.
Đồng ý với ý kiến của ông Thành, đại diện của Công ty YKK, 100% vốn của Nhật chuyên sản xuất các nguyên vật liệu may mặc, cho biết công ty tại Việt Nam vay từ tập đoàn mẹ với lãi suất chỉ 0,5% đối với ngoại tệ, do vậy công ty ông không có nhu cầu vay vốn từ các ngân hàng trong nước.
Trao đổi tại buổi hội thảo Đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai sáng 25-10, ông Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Chi nhánh Khu công nghiệp Biên Hòa của Ngân hàng VietinBank, cho biết, VietinBank đã cố gắng tiếp cận các doanh nghiệp FDI tại khu vực Đồng Nai nhưng gần như không thành công vì hầu hết các doanh nghiệp lớn đều vay vốn tại những ngân hàng theo chỉ định của tập đoàn mẹ, hoặc họ đòi vay với mức lãi suất rất thấp mà sau khi cân đối nguồn vốn cũng như nguồn thu từ các dịch vụ mà những công ty này sẽ sử dụng của ngân hàng thì ngân hàng không có lợi, do vậy rất khó để tiếp thị vốn đến các doanh nghiệp FDI lớn, ông Sơn nói.
"Mới đây chúng tôi có tiếp xúc với một công ty lớn của Đức nhưng họ bảo tập đoàn mẹ chỉ định phải vay ngân hàng Deustche Bank tại Việt Nam, họ chỉ sử dụng dịch vụ thẻ của ngân hàng tôi thôi", ông Sơn nói.
Hiện nay, VietinBank Biên Hòa cho vay với lãi suất khá thấp, chỉ từ 6%-6,5%/năm đối với tiền đồng và 3%-3,5% đối với ngoại tệ (nhưng chỉ cho doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ vay), nhưng cũng chưa thể tiếp cận được các doanh nghiệp FDI vì đa số các doanh nghiệp này đều chỉ muốn vay ngoại tệ với lãi suất thấp hơn nữa.
Đại diện của Công ty Dona New Tower cho biết chị đang vay vốn của ngân hàng HSBC tại Việt Nam và lãi suất vay ngoại tệ của ngân hàng nước ngoài này thật sự thấp hơn nhiều so với các ngân hàng trong nước. Để vay ngân hàng trong nước được mức 3,5% như trên thì doanh nghiệp phải sử dụng nhiều dịch vụ của ngân hàng và ngân hàng thì không đảm bảo nguồn ngoại tệ sẽ bán cho doanh nghiệp khi trả nợ, chị này nói.
"Nói đi nói lại cũng chỉ là ngân hàng trong nước không thể cạnh tranh được với nước ngoài về lãi suất, yếu tố quan trọng nhất khi doanh nghiệp vay vốn. Công ty mẹ không chỉ định vay ở đâu nhưng nếu vay lãi suất cao họ sẽ lập tức đặt câu hỏi liền", chị nói.
Công ty của chị còn đàm phán được trả nợ trước hạn không cần phải trả phí. "Chúng tôi xoay vòng vốn rất nhanh, có khi vay chỉ ba ngày đã trả, nhưng hiện nay ngân hàng đang cần doanh nghiệp nên phải chấp nhận thôi", chị nói.
Không tiếp cận được doanh nghiệp FDI lớn, nhưng các ngân hàng trong nước cũng khá e ngại khi cho vay các doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ vì thời gian gần đây xảy ra nhiều sự việc chủ công ty FDI bỏ trốn về nước.
Ông Sơn của VietinBank cho biết "chi nhánh tôi đã từng bị một trường hợp như vậy. Do vậy hiện nay VietinBank Khu công nghiệp Biên Hòa chỉ tiếp cận những doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư ít nhất 10 triệu USD. Với những doanh nghiệp FDI nhỏ chúng tôi chỉ tiếp cận để bán dịch vụ hoặc nếu cho vay thì xem xét rất thận trọng".
Theo phân tích mới được công bố vào cuối tháng 8 của Công ty KPMG Việt Nam dựa trên báo cáo tài chính 2012 của 33 ngân hàng trong nước có công bố đầy đủ báo cáo tài chính, tổng dư nợ cho vay đối với khối doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 2% tổng cho vay của các ngân hàng này. Các ngân hàng này có quy mô tổng tài sản chiếm 86% tổng tài sản của tất cả các ngân hàng nên KPMG cho rằng số liệu đủ để đại diện cho cả thị trường.
Như vậy, chỉ đến khi nào ngân hàng trong nước có thể tìm được vốn ngoại tệ giá rẻ thì mới có thể cạnh tranh được với ngân hàng nước ngoài trong việc cho vay tới các doanh nghiệp FDI, còn không sẽ chỉ bán được các dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp này.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 6-2013, có 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, và 50 văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Nguồn TBKTSG