Doanh nghiệp được tự chủ hơn về con dấu
Việc thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử sẽ được tiếp tục nghiên cứu, áp dụng khi có đủ điều kiện thích hợp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tại báo cáo tiếp thu, chỉnh lý giải trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Chiều 10/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại dự án luật này.
Cải cách quy định về con dấu, theo dự thảo luật là doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải bảo đảm nội dung con dấu thể hiện tên, mã số doanh nghiệp. Mẫu con dấu được doanh nghiệp thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Theo dự thảo luật, con dấu của doanh nghiệp được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.
Còn trường hợp giao dịch với các đối tác không sử dụng dấu thì doanh nghiệp Việt Nam cũng không bắt buộc sử dụng dấu mà các bên giao dịch xác định giá trị pháp lý văn bản căn cứ vào chữ ký của người có thẩm quyền giao dịch.
Giải trình về ý kiến đề nghị bỏ quy định doanh nghiệp phải có con dấu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiên trì quan điểm là với tập quán, thói quen sử dụng con dấu và điều kiện hạ tầng kỹ thuật ở Việt Nam, trong thời gian tới vẫn cần giữ quy định về doanh nghiệp phải có con dấu riêng,
Việc thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử sẽ được tiếp tục nghiên cứu, áp dụng khi có đủ điều kiện thích hợp, báo cáo giải trình nêu rõ.
Vẫn theo hướng giảm phiền hà cho doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Một nội dung khác cũng được đại biểu quan tâm là quy định lương của quản lý doanh nghiệp nhà nước tại dự án luật này.
Trong hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách hồi đầu tháng 9/2014, một số ý kiến cho rằng quy định về vấn đề này tại dự thảo là quá đơn giản và đề nghị cần làm ro cơ chế tiền lương của những người quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Báo cáo tiếp thu giải trình dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đề cập nội dung này mà chỉ phản ánh có ý kiến đề nghị quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm và quyết định lương của kiểm soát viên.
Tiếp thu ý kiến này, dự thảo luật đã bỏ quy định về lương và các lợi ích hợp pháp khác của thành viên ban kiểm soát, thay vào đó là bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về lương, thưởng và phụ cấp của kiểm soát viên bảo đảm tính độc lập và nâng cao trách nhiệm của ban kiểm soát với doanh nghiệp.
Cụ thể, lương, thưởng và các phụ cấp khác nếu có của kiểm soát viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định và chi trả.
Được thảo luận vào chiều 10/11, ngay sau dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng sẽ được biểu quyết thông qua ngay sau khi Quốc hội nhấn nút quyết định luật Đầu tư, sáng 26/11.
Nguồn VnEconomy