Thứ Bảy | 19/07/2014 15:47

Doanh nghiệp dửng dưng khi gạo Việt sắp bị kiện?

Cả hiệp hội lẫn nhiều doanh nghiệp dường như “không thèm” thị trường Mỹ.
Luật sư Ngô Quang Thụy, người có kinh nghiệm nhiều năm đại diện cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp tại Mỹ, cho biết rất có thể gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ đương đầu với các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ trong thời gian tới.

Nguy cơ gạo Việt bị kiện là rất cao

Theo luật sư Ngô Quang Thụy, ngày 15/5/2014, Ủy ban Tài chính và Thuế vụ thuộc Hạ viện Mỹ đã đại diện không chính thức cho Hiệp hội Các nhà sản xuất gạo Mỹ (USRPA) nộp đơn lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) yêu cầu thực hiện điều tra về tình hình cạnh tranh của gạo nhập khẩu đối với ngành gạo nước này.

Đến ngày 17/6, ITC đã ra quyết định khởi xướng điều tra và chuẩn bị một báo cáo về các yếu tố sẽ cạnh tranh đến ngành gạo của Mỹ từ các nước xuất khẩu gạo chính bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Uruguay và Việt Nam.

ITC sẽ thực hiện điều tra về chi phí sản xuất, cơ cấu ngành gạo, giá đầu vào, nguồn đầu vào, các cơ chế tính giá và tiếp thị… ITC sẽ xác định việc nhập khẩu gạo có gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại cho ngành gạo của Mỹ hay không.

Dựa trên kết luận điều tra của ITC, sau đó ngành gạo của Mỹ sẽ xem xét nộp đơn kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. Dự kiến đơn kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp có khả năng nộp trong năm 2015.

Luật sư Thụy cho hay nhìn vào thông báo khởi xướng điều tra của ITC giai đoạn năm 2009 đến 2013, vấn đề giá xuất khẩu cũng đáng lo ngại. Giá nhập khẩu bình quân của gạo Việt Nam trong năm 2013 không bằng phân nửa giá bình quân của Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan - ba nhà xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ trong năm 2013.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho biết thêm: “Mỹ khởi kiện chống bán phá giá đối với gạo Việt cũng có cơ sở vì Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo thơm sang Mỹ. Loại gạo này nếu so với các nước thì lại có giá rẻ hơn nhiều, thậm chí chỉ bằng một nửa giá gạo thơm của Thái Lan”.

Hiệp hội và DN vẫn bình thản

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi thông tin cuộc điều tra trên với các DN xuất khẩu gạo và hiệp hội nhưng họ đều tỏ ra không mấy quan tâm.

Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết VFA vẫn chưa nhận được thông tin nào về thông báo điều tra này. Vị này bình thản “lượng gạo xuất khẩu vào Mỹ mỗi năm chỉ vài chục ngàn tấn, tập trung ở một vài DN do thị trường này rất khó: Có nhiều tiêu chuẩn kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn vệ sinh… nên DN Việt Nam không mấy mặn mà”.

Về phía DN, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, cho rằng nếu phía Mỹ khởi kiện chống bán phá giá thì cũng không ảnh hưởng gì lắm vì thị trường chính của gạo Việt Nam là châu Á. Việt Nam sẽ xuất khẩu sang những thị trường tiềm năng và lớn khác. Các DN cũng tỏ ra không am hiểu nhiều xung quanh vấn đề kiện cáo mà Pháp Luật TP.HCM nêu ra.

Cần “thức tỉnh” cơ quan quản lý

Luật sư Ngô Quang Thụy cho biết thời hạn nộp đơn để các nước xuất khẩu gạo vào Mỹ tham gia điều tra là ngày 26/8/2014. Dự kiến ITC sẽ tiến hành điều tra mà không phải thông báo trực tiếp cho Chính phủ Việt Nam cũng như các nước khác.

Vì vậy, Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần tham gia vào điều tra 332, Luật Thuế quan 1930 (Mỹ) của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) vì nó vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của ngành gạo Việt Nam.

Các cuộc điều tra như vậy thường là dẫn đến các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp sau này. ITC là cơ quan thực hiện cả hai cuộc điều tra và các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Do đó, việc tham gia tích cực ngay từ đầu sẽ cung cấp đầy đủ thông tin chính xác cho cơ quan thẩm quyền của Mỹ. Việc tham gia sẽ giúp cuộc điều tra mang tính đa phương, trung thực hơn nếu để một mình ITC (Mỹ) đơn phương điều tra.

Việc tham gia đúng lúc và hiệu quả sẽ giúp cung cấp cho các nhà xuất khẩu những kiến thức và hiểu biết đáng giá về vụ kiện phòng vệ thương mại. Từ đó các DN xuất khẩu và các hiệp hội có những biện pháp phòng tránh phù hợp nhất.

“Có thế mới bảo đảm cho các DN xuất khẩu gạo vào Mỹ đạt được thuế suất 0% hoặc hạ thấp thuế suất chống bán phá giá/chống trợ cấp thấp nhất nếu bị điều tra” - luật sư Thụy phân tích.

Đừng khinh thị trường Mỹ

Theo số liệu năm 2013 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam xuất khẩu 53.000 tấn vào thị trường Mỹ, sau thị phần Thái Lan, Ấn Độ. Lượng người châu Á sinh sống ở Mỹ rất lớn nên đây là một thị trường rất tiềm năng.

Thái Lan, Ấn Độ đang lên kế hoạch tăng xuất khẩu vào thị trường này. Ngay cả Campuchia mới đây đầu tư hàng triệu USD để nâng cao chất lượng xuất khẩu gạo thơm vào Mỹ. Trong khi đó, xuất khẩu gạo Việt Nam vào Mỹ lại đang sụt giảm qua từng năm.


Nguồn Pháp luật TP HCM


Sự kiện