Doanh nghiệp du lịch gặp khó do chịu nhiều chi phí liên quan
Mức tăng lệ phí trên sẽ khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng các chuyên gia người nước ngoài phải gánh thêm các chi phí liên quan đến vấn đề thị thực cho họ ở lại làm việc. Đây là vấn đề đáng quan tâm, bởi mặc dù chi phí cho lao động là chuyên gia người nước ngoài tăng cao, song ở một số lĩnh vực, lao động Việt Nam chưa đủ trình độ đáp ứng nhu cầu công việc, nên buộc doanh nghiệp phải thuê chuyên gia nước ngoài.
Tuy nhiên, điều đáng lo hơn cả là, việc tăng lệ phí thị thực đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam có nguy cơ làm giảm lượng khách du lịch nước ngoài, ảnh hưởng tới doanh thu của ngành công nghiệp không khói.
Phản ứng trước thông tin trên, bà Nguyễn Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Xuyên Á cho rằng, quy định trên đưa ra trong bối cảnh hiện nay là không hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp du lịch nói riêng, ngành du lịch nói chung.
“Kinh tế khó khăn, du khách sẽ tính toán cân nhắc để chọn địa điểm du lịch. Giá cả là một trong những yếu tố quan trọng để họ làm cơ sở lựa chọn. Đáng lưu ý là, giá dịch vụ tại nhiều nước khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore…) rẻ hơn nhiều so với Việt Nam. Không những thế, những quốc gia này cũng đã bỏ thủ tục visa… Đây là những bất lợi làm giảm sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong thu hút du khách quốc tế”, bà Lan phân tích.
Tại một cuộc họp mới đây của Hiệp hội Du lịch TPHCM, ông Lý Việt Cường, Giám đốc Công ty Nam Phương Tourist cũng thẳng thắn kiến nghị cơ quan chức năng nên bỏ ngay quy định trên. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin phản hồi. “Về lâu dài, nếu không có sự điều chỉnh, chắc chắn, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ giảm”, ông Cường lo ngại.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt lại bày tỏ lo ngại về việc lệ phí làm hộ chiếu cho người trong nước tăng 50% (từ 200.000 lên 300.000 đồng). Ngoài ra, giá vé tham quan cũng đồng loạt tăng. Có nơi như Tuần Châu, Quảng Ninh tăng từ 30.000 đồng lên 160.000 đồng. Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đề xuất tăng 350% lệ phí giao thông trên Quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Cần Thơ và Quốc lộ 14 đi Tây Nguyên.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, đã xuất hiện thêm nhiều quy định mới “trói chân” doanh nghiệp du lịch. Nhiều doanh nghiệp ngành này cho rằng, nếu không điều chỉnh các quy định trên, ngành du lịch Việt Nam sẽ khó tăng tốc, mà mục tiêu trước mắt là gia nhập tốp đầu du lịch ASEAN.
Nguồn Báo Đầu tư