Ảnh hưởng của dịch COVID-19 buộc doanh nghiệp ngành gỗ sẽ phải tìm hướng đi mới. Ảnh: TL.
Doanh nghiệp đồ gỗ gặp khó trong chuyển đổi số
“Sự lây lan nhanh chóng của COVID-19 đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, tạo áp lực và thách thức buộc các doanh nghiệp phải đổi mới và cải tiến ở tất cả các khâu, từ thiết kế, sản xuất đến thương mại, trong đó số hóa là yếu tố then chốt”, ông Amit Sharma chia sẻ tại toạ đàm “Chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành gỗ: Thực trạng, mức độ sẵn sàng và giải pháp”.
Cũng theo ông Amit Sharma, lâm sản là một trong số ít các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cả về sản lượng và giá trị dù ảnh hưởng nặng nề do COVID-19. Tuy nhiên, về lâu dài, ảnh hưởng của dịch COVID-19 buộc doanh nghiệp ngành gỗ sẽ phải tìm hướng đi mới.
Theo Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam, ông Amit Shama, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu nội dung này, cho rằng Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU tiếp tục là 5 thị trường quan trọng của ngành đồ gỗ Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 9,3 tỉ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Việc nhận thức không rõ ràng về khái niệm chuyển đổi số là một trong những nguyên nhân mấu chốt dẫn tới thất bại của quá trình chuyển đổi số. Ảnh: TL. |
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cũng cho rằng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang ở mức thấp so với các doanh nghiệp ngành khác, cũng như so với các doanh nghiệp FDI.
Theo ông Lập, dù các doanh nghiệp ngành gỗ Việt ra đời lâu, nhưng năng lực quản trị của các doanh nghiệp ngành gỗ còn thấp, đặc biệt là hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ trong hệ thống quản trị còn rất non trẻ.
Do đó, Chủ tịch Vifores mong các doanh nghiệp trong ngành sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị và hỗ trợ tổ chức sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng cao. Trong thời gian tới, các Hiệp hội Ngành gỗ sẽ tổ chức diện rộng cho các doanh nghiệp để đưa nội dung chuyển đổi số phát triển, nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt trên nền tảng công nghệ 4.0 và nâng cao nền tảng quản trị doanh nghiệp.
Tương tự, theo ghi nhận của ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành gỗ chưa tích cực, có điều gì đó dè dặt trong các doanh nghiệp. So với các nước đang phát triển ngành này như Đức, Trung Quốc, Ba Lan, Việt Nam vẫn đang ở phía sau khá nhiều.
Tham khảo thị phần kim ngạch xuất khẩu G&SPG Việt Nam trong tháng 6 năm 2021. Ảnh: haiquanvietnam. |
Theo ông Phương, trong bản đồ xuất khẩu đồ gỗ thế giới, ngành gỗ Việt Nam có vị trí tương đối nhưng sự đóng góp của chuyển đổi số, công nghệ cao vào kết quả này chưa nhiều, chưa làm thay đổi cục diện của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam.
Các ý kiến cho rằng việc nhận thức không rõ ràng về khái niệm chuyển đổi số là một trong những nguyên nhân mấu chốt dẫn tới thất bại của quá trình chuyển đổi số. Đáng chú ý nhiều doanh nghiệp ngại chuyển đổi số vì áp lực chi phí lớn, chưa biết bắt đầu từ đâu, đâu là giải pháp doanh nghiệp có thể bắt tay vào làm ngay và đâu là giải pháp có điều kiện tiên quyết trong trung và dài hạn.
Mặt khác, các ý kiến cũng cho rằng, không có đáp án chung cho việc chuyển đổi số. Mỗi doanh nghiệp có đặc điểm khác nhau nên cũng có những giải pháp khác nhau để thực hiện chuyển đổi số. Về kinh phí, có doanh nghiệp đầu tư nhỏ nhưng vẫn thu được hiệu quả, trong khi đó có những doanh nghiệp đầu tư lớn nhưng không thu được hiệu quả như kỳ vọng.
Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022