Trong 5 năm trở lại đây, nhiều đơn vị có tỷ lệ sản xuất ra sợi từ thành phần organic trong bông chiếm tỷ lệ 30-35% tổng sản lượng. Ảnh: Phong Phú.

 
Cẩm Tú Thứ Ba | 31/01/2023 16:47

Doanh nghiệp dệt tăng tốc đầu tư công nghệ để "xanh hóa"

Các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký gần đây đều có các quy tắc về bảo vệ môi trường. Theo đó, "xanh hóa" ngành dệt may là bắt buộc.

Tại tọa đàm mới đây, đại diện Tập đoàn An Phước - doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong việc trồng cây gai xanh và sản xuất sợi gai tại Việt Nam cho biết: "Vừa qua An Phước đã đầu tư nhà máy đầu tiên ở Việt Nam có công nghệ sản xuất tự động hoá theo dây chuyền hiện đại nhập khẩu sản xuất sợi gai với quy mô 1.000 tỉ đồng".

Hiện nhà máy này đã đi vào sản xuất ổn định và đã sản xuất được sợi có chỉ số khác nhau theo nhu cầu thị trường. Nhà máy cũng đã và đang tối ưu định mức chi phí, tiêu hao trong sản xuất. Để hiện thực hoá mục tiêu giai đoạn 2023-2032, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận tín dụng xanh đầu tư 3 nhà máy tách keo tại những vùng nguyên liệu có diện tích lớn; một nhà máy dệt nhuộm công suất 3.600.000 mét vải/năm; một nhà máy kéo sợi hỗn hợp công suất 5.200 tấn/năm…

Nhà máy sợi An Phước. Ảnh: T.L
Nhà máy sợi An Phước. Ảnh: T.L

Đại diện Tập đoàn dệt may Vinatex, ông Lê Tiến Trường cũng cho biết Vinatex hiện tập trung vào sản xuất nguyên liệu nhiều hơn sản xuất may mặc, chính vì vậy nguyên liệu luôn là khâu đầu thực hiện xanh hóa trước, tạo nền tảng cho các nguyên vật liệu đạt yêu cầu của quá trình xanh hóa theo yêu cầu của Mỹ và châu Âu đặt ra. Vinatex đã tổ chức sản xuất các mặt hàng sợi từ nguồn nguyên liệu tái chế hoặc nguồn nguyên liệu organic. Trong 5 năm trở lại đây, nhiều đơn vị có tỷ lệ sản xuất ra sợi từ thành phần organic trong bông chiếm tỷ lệ 30-35% tổng sản lượng. Ðồng thời, các nhà máy sản xuất nguyên liệu được trang bị điện mặt trời để đáp ứng tiêu chuẩn 20% năng lượng sử dụng trong nhà máy là năng lượng xanh.

Theo các doanh nghiệp, đây là những tiêu chuẩn mới mà thế giới đưa ra, đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng năng lực trong chuẩn bị sản xuất, năng lượng, nguyên liệu đáp ứng các yêu cầu tới năm 2024 sẽ đưa vào các báo cáo kiểm toán độc lập liên quan phát triển xanh khi doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nói thêm về hành trình sản xuất xanh, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng giám đốc CTCP Quốc tế Phong Phú, một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may lớn tại Việt Nam, cho biết khoảng 10 năm trở lại đây trước những yêu cầu của các nhà nhập khẩu tại các thị trường lớn (Mỹ, châu Âu…) về sản xuất sản phẩm xanh, có các quy trình tái chế…, Phong Phú đã xây dựng dự án phát triển bền vững theo quy tắc 4R.

Cụ thể, Reduce - tập trung tiết giảm việc sử dụng nước, điện, hóa chất… bằng việc đầu tư các thiết bị máy móc với công nghệ hiện đại như Ozone, Eflow..; nghiên cứu phát triển các quy trình công nghệ bền vững, lựa chọn hóa chất và giải pháp thân thiện môi trường. Reuse - đầu tư thiết bị cho các hoạt động tái sử dụng nước nhất là ở các nhà máy giặt. Recycle - sản xuất các sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc hữu cơ, nguyên vật liệu tái sử dụng. Respect - tôn trọng người lao động.

Một thí dụ cho thấy hiệu quả của quá trình sản xuất xanh, là trước đây Phong Phú sản xuất 1 quần jeans bình quân tiêu hao 42 lít nước. Nay với việc ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại, lượng nước tiêu hao chỉ 4% lượng nước trên. Hiệu quả đã nhìn thấy, nhưng bà Liên cho biết thách thức lớn cho việc sản xuất xanh là chi phí đầu tư. Cho đến nay Phong Phú đã chi hàng trăm tỷ đồng đầu tư thiết bị, công nghệ để sản xuất xanh. Chưa hết, mỗi năm công ty phải đóng phí 584USD/nhà máy (hiện Phong Phú có 30 nhà máy), để sử dụng bộ chỉ số Higg Index do Hiệp hội May mặc bền vững (SAC) xây dựng. Ngoài ra nhân lực am hiểu, vận hành thiết bị hiện đại cũng là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm:

Vai trò thiết yếu của thị trường carbon tự nguyện