Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. Ảnh TTXVN
Doanh nghiệp đề nghị được tham gia xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế
Nếu giãn cách mãi, doanh nghiệp sẽ phá sản
Làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 từ ngày 27/4/2021 đến nay đã nhanh chóng lan ra 40 tỉnh, thành phố, trong đó có cả các trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước như TP.HCM và TP. Hà Nội, khiến nhiều hoạt động kinh tế bị đình đốn. Tại “Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp” diễn ra ngày 26/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả điều tra khảo sát trên gần 3.000 doanh nghiệp. Khảo sát cho thấy có tới 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”, tăng so với con số 87,2% của khảo sát năm 2020.
Trong đó khoảng 60% doanh nghiệp cho biết tác động của Covid-19 “phần lớn là tiêu cực” và 34% doanh nghiệp nhận định Covid-19 tác động “hoàn toàn tiêu cực” (gấp đôi so với mức 15% của năm 2020).
Tình trạng người lao động mất việc làm diễn ra phổ biến nhất ở các ngành dịch vụ. Trên 97% doanh nghiệp ở các ngành giáo dục và đào tạo, hoạt động hành chính và dịch vụ, và dịch vụ lưu trú và ăn uống trả lời khảo sát đã phải giảm số lao động trong thời gian dịch bệnh.
Đặc biệt tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% doanh nghiệp đang hoạt động ở các vùng này báo cáo việc cho người lao động thôi việc.
Về chuỗi giá trị, trung bình có 96,2% doanh nghiệp gặp ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị. Các vấn đề này có thể là khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, khó khăn khi quản lý nhân công hay đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong đó, đại dịch khiến khoảng 61,8% doanh nghiệp khó tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế. VCCI nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 kéo dài khiến doanh thu của 71% doanh nghiệp dự kiến năm 2021 giảm so với năm 2020.
“Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19”, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng VCCI cho biết.
Báo cáo của VCCI nêu rõ, nếu các doanh nghiệp bị dừng hoạt động quá lâu, không tránh khỏi làn sóng phá sản doanh nghiệp sẽ xuất hiện tại Việt Nam. Đáng quan ngại, với các doanh nghiệp FDI, nếu bị thiệt hại quá nhiều do dừng sản xuất, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải rút khỏi thị trường. Trường hợp đó sẽ dẫn tới đình đốn ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam, kéo theo đó là giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị kinh ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ sụt giảm đáng kể, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu ngân sách nhà nước. Những vấn đề về thất nghiệp, gánh nặng chi an sinh xã hội của Nhà nước sẽ gia tăng đáng kể.
Trao quyền cho doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh… “Nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết các đại biểu dự hội nghị đã ủng hộ chủ trương của Chính phủ là chuyển trạng thái từ "không COVID" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19" và Chính phủ đang khẩn trương xây dựng hướng dẫn tạm thời để thực hiện chủ trương này.
Nhiều doanh nghiệp đề nghị được tham gia vào công tác xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế. “Cần xác định doanh nghiệp như một chủ thể chính, chứ không chỉ là đối tượng tuân thủ, bị quản lý như lâu nay. Vì doanh nghiệp cũng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp, cho người lao động của mình”, ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam, phát biểu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 - Ảnh: VGP |
Khi doanh nghiệp tham gia vào các kế hoạch phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế, theo ông Huỳnh Quang Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), doanh nghiệp sẽ cùng với chính quyền địa phương tính toán các phương án mở cửa hoạt động, nâng công suất, tăng lao động... để thực hiện một cách an toàn, thống nhất.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, sự phối hợp này sẽ không để tái diễn tình trạng bị động trong hoạt động của doanh nghiệp do các quyết định giãn cách của địa phương không rõ tiêu chí, điều kiện.
Doanh nghiệp kiến nghị trong thời kỳ có dịch, tất cả các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương cần chấp thuận các hồ sơ, văn bản scan, các hình thức gửi online trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Cùng các kiến nghị về tiêm vắc xin cho công nhân, thực hiện các quy định phòng chống dịch phù hợp, đặc biệt khi áp dụng mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến"…
Ngoài những giải pháp chung đã nêu trong nghị quyết, Chính phủ cần xây dựng những giải pháp riêng theo đặc thù từng ngành hàng. Cần tổ chức thực hiện trao đổi ý kiến cụ thể với từng ngành thông suốt từ cấp quản lý nhà nước ngành dọc và các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu ảnh hưởng và nâng cao hiệu quả thực thi.
Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đề xuất các tài liệu, điều kiện, tiêu chí thích ứng với chung sống an toàn với Covid-19 cần được xác định là có giá trị pháp lý cao nhất, áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương chỉ tuyên truyền, tổ chức, giám sát thực hiện.“Không nên để địa phương phê duyệt phương án của doanh nghiệp, mà chỉ giám sát, hỗ trợ và tư vấn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định. Cần trao quyền chủ động cho doanh nghiệp”, ông Thành đề xuất.