Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải có 51% trở lên vốn đầu tư nước ngoài
Nội dung quan trọng của hội thảo lần này là lấy ý kiến đóng góp thiết thực mang tính xây dựng về Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài (ĐTNN), tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận thị trường và mở rộng hoạt động làm ăn chính đáng tại Việt Nam.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT Quách Ngọc Tuấn cho biết ba mục tiêu sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh lần này là để cải cách thủ tục đầu tư theo hướng đơn giản, thuận lợi và tường minh. Thứ hai là tăng cường cơ chế khuyến khích bảo hộ giám sát đầu tư để có môi trường thu hút, cạnh tranh nhà đầu tư. Cuối cùng là để bảo đảm nâng cao quản lý Nhà nước với hoạt động đầu tư.
Những nội dung sửa đổi chính được quan tâm nhiều trong hội thảo lần này là việc xác định thế nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; việc tách riêng hai loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và một quy định mới về hoạt động quản trị doanh nghiệp.
Về tỷ lệ sở hữu, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế cho biết, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo dự thảo luật mới sẽ là doanh nghiệp có từ 51% trở lên vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, luật Đầu tư chỉ định nghĩa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam; doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại. Ông Cung khẳng định, theo đó những doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài dưới 51% sẽ được đối xử như doanh nghiệp trong nước.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp mới cũng đề xuất tách bạch hai loại giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy phép chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Đề xuất này đón nhận nhiều ý kiến phản biện được ban soạn thảo đánh giá cao.
Phó Tổng giám đốc công ty KPMG Nguyễn Công Ái chia sẻ những rủi ro có thể xảy đến khi tách bạch hai loại giấy phép này từ kinh nghiệm thực tế làm việc trên thế giới. Theo ông, khả năng có thể xảy ra là sẽ xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp trên giấy, chỉ đăng ký kinh doanh rồi đem bán cho các doanh nghiệp thực sự hoạt động chứ không hoạt động đầu tư thực sự. Điều này là một rủi ro lớn và không mang lại hiệu quả nào cho nền kinh tế.
Theo ông Công Ái, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hiện nay đang được các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài xem như "bùa hộ mệnh" khi làm việc với các cơ quan quản lý. Chính vì vậy, nội dung trên giấy chứng nhận càng đầy đủ thì càng tốt hơn cho doanh nghiệp nước ngoài.
Về thời gian góp vốn đầu tư cho dự án, dự thảo mới quy định là 90 ngày, thay vì 3 năm như hiện nay, theo ông Công Ái là một điều chưa hợp lý và không nên đưa quy định cứng nhắc về thời gian góp vốn, nên tùy thuộc vào tiến độ dự án cũng như doanh nghiệp nhất định.
Nhiều đại biểu cũng băn khoăn về việc quản lý hoạt động đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau cấp phép. Khi cho phép đăng ký kinh doanh mà không cần có dự án không thể biết doanh nghiệp làm gì, hiệu quả dự án ra sao. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài ví điều đó giống như "chỉ cấp giấy khai sinh và mà không cấp giấy khai tử" cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, dự thảo luật mới cũng đề xuất thay đổi mô hình tổ chức quản trị doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp lựa chọn một trong hai mô hình hội đồng quản trị đang tồn tại phổ biến trên thế giới. Trình tự, thủ tục ra quyết định trong doanh nghiệp cũng được đề xuất sửa đổi để phù hợp với yêu cầu nhanh nhạy và linh hoạt trong kinh doanh hiện nay.
Nguồn Theo DVO