Thứ Ba | 01/09/2015 12:30

Doanh nghiệp dầu khí: Gồng mình qua bão

Việc giá dầu khó tăng lại trong 1 năm tới nghĩa là các công ty dầu khí sẽ còn gặp nhiều bấp bênh và cổ phiếu dầu khí khó lòng khởi sắc.

Giá dầu thô đã giảm về mức thấp nhất trong 6 năm qua. Theo hãng tin AFP, giá dầu đã về dưới mức 40 USD/thùng, mức mà Liên Bộ Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư từng đặt ra nhưng là cho kịch bản xấu nhất. Đáng lo hơn, chưa có dự báo nào cho thấy giá dầu sẽ đi lên trở lại. Thậm chí, trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, chuyên gia hàng hóa Dennis Gartman còn nhận định, giá dầu có thể về mức 15 USD/thùng trong năm 2015.

Giá dầu suy giảm liên tiếp trong 8 tuần qua khiến các công ty hoạt động trong ngành này lao đao. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí - PVDrilling (PVD), trong 6 tháng đầu năm 2015 doanh thu đã giảm 18%, lãi sau thuế giảm 24%, chỉ còn khoảng 1.095 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu, theo PVD, là đơn giá cho thuê giàn khoan giảm bình quân 8% so với cùng kỳ năm ngoái; đơn giá dịch vụ kỹ thuật giếng khoan và các dịch vụ khác cũng giảm từ 5-20%. Ngoài ra, các giàn khoan thuê đã cắt việc làm và rút ngắn thời gian khiến khối lượng công việc ở PVD giảm từ 10-30%.

Với Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas - GAS), doanh thu và lợi nhuận nửa đầu năm nay cũng lần lượt giảm 10% và 18% so với cùng kỳ. Trao đổi với báo chí, ông Phạm Đăng Lam, Phó Tổng Giám đốc GAS, cho biết đó là kết quả kinh doanh dựa trên giá dầu khoảng 60 USD/thùng. Và với mức giá dầu hiện tại, hoạt động kinh doanh của GAS sẽ còn suy giảm sâu hơn.

Trước thực trạng giá dầu lao dốc, ngay từ quý II/2015, để giữ chân khách hàng, một số hợp đồng của PVD đã phải điều chỉnh giá dịch vụ xuống 5-10%, một số giàn khoan triển khai đàm phán dựa theo giá dầu. PVD cũng dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 200 tỉ đồng chi phí so với ngân sách. Với những giải pháp này, PVD đặt mục tiêu sao cho lợi nhuận giảm không quá 20% so với năm 2014.

Trong khi đó, phía GAS chưa công bố một động thái gì cụ thể. GAS là doanh nghiệp độc quyền khai thác, nhập khẩu, phân phối khí tự nhiên tại Việt Nam. Công ty còn nắm giữ gần 70% thị phần khí hóa lỏng LPG. Tuy nhiên, giá dầu giảm đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến GAS. Công ty từng ước tính, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng, doanh thu của Công ty sẽ giảm 20%, lợi nhuận giảm 30%.

Với các công ty khai thác dầu tại thềm lục địa ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Citigroup, điểm hòa vốn của các dự  án trung bình là 50 USD/thùng. Khi giá dầu xuyên thủng mức này, kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như doanh thu, lợi nhuận của các công ty dầu khí sẽ bị tác động mạnh.

Trên thực tế, không đợi lúc các con số hiển hiện trong báo cáo tài chính ở những quý tiếp theo, ngay bây giờ, diễn biến giá dầu suy giảm đã phản ánh trên giá cổ phiếu. Giá nhóm cổ phiếu dầu khí đã rớt sàn trong tháng 8. Đơn cử, cổ phiếu GAS đã giảm 25%, còn phiếu PVD cũng giảm 20% . Nếu so với thời điểm đầu năm, đà giảm còn mạnh hơn. Đặc biệt, cổ phiếu GAS bị khối ngoại bán ròng liên tục nhiều phiên liền, giá trị bán gấp 7 lần giá trị mua.

Doanh nghiep dau khi: Gong minh qua bao
 

Giá dầu sẽ chưa thể tăng trở lại, ít nhất đến giữa năm sau. Đó là nhận định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Điều này đồng nghĩa, tình hình kinh doanh của các công ty dầu khí sẽ còn bấp bênh và cổ phiếu dầu khí khó lòng khởi sắc.

Phía PVD thừa nhận, nếu giá dầu tiếp tục đi xuống, mức phí thuê sẽ còn giảm. Tuy nhiên, điều thuận lợi cho PVD là Công ty sở hữu những giàn khá trẻ và luôn hoạt động với hiệu suất cao nên các giàn cũ khó cạnh tranh dù giá thuê thấp hơn. Đối với các giàn mới, thông thường sẽ phải thông qua PVD làm trung gian. Đó là những cơ sở để PVD có thể giữ được thị phần. Hiện PVD đang chiếm 70% thị trường trong nước về dịch vụ khoan và 55-90% thị trường về dịch vụ liên quan đến khoan dầu khí.

PVD còn được sự nâng đỡ bởi công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), giúp các hợp đồng cho thuê giàn khoan của Công ty được duy trì ổn định. Ngoài ra, giàn PV Drilling VI được đưa vào hoạt động từ đầu tháng 3.2015 đã bù đắp cho sự giảm sút về doanh thu và lợi nhuận của PVD. Trong những tháng còn lại của năm 2015, PVD dự kiến sẽ tiếp tục sử dụng các giàn khoan của mình nhiều hơn để tăng biên lợi nhuận. Ban quản trị ở PVD cũng quyết định hoãn kế hoạch mở rộng ra thị trường khu vực để tập trung vào thị trường nội địa.

Về phần mình, trước diễn biến suy giảm mạnh của giá dầu, Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (PVS) chủ trương cắt giảm giá các dịch vụ từ 15-30%. Nhưng PTSC coi trọng việc tăng cường chất lượng dịch vụ, bổ sung các gói sản phẩm hơn. Ngoài ra, PTSC cũng đẩy mạnh tìm kiếm  các hợp đồng  ở  khu vực khác ngoài lãnh thổ  Việt Nam như Malaysia, Úc, Ấn Độ, Brunei, Myanmar... Công ty cũng bổ sung ngành nghề kinh doanh để có thể thực hiện các công trình xây lắp trên bờ, bù đắp cho việc cắt giảm các công trình xây lắp ngoài khơi.

Giống như PVD, PTSC có lợi thế khi trực thuộc PVN và được PVN giao thực hiện các dự  án ngoài biển. Đây là mảng hoạt động có tỉ suất lợi nhuận cao (5-7%), hơn hẳn các dự án trên bờ (2%).Triển vọng năm 2016 và những năm tới của PVD nằm ở chỗ Công ty có thuận lợi hơn khi có thể tham gia vào một số dự án như dự án khí Lô B Ô Môn, Cá Rồng Đỏ, dự án Talisman... Công ty cũng chỉ mới sở hữu 5 giàn khoan (không tính giàn thuê), đáp ứng 30%  nhu cầu tại Việt Nam, nên đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp triển khai dự án đầu tư giàn khoan mới nhằm nắm bắt những cơ hội trên.

Viết Nguyên