Giá cước tàu biển quá cao, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: giaothongvantai
Doanh nghiệp “đau đầu” chuyện cước phí tàu
Quá nhiều hệ lụy vì gía cước tăng?
Mừng vì ngay đầu năm mới 2021 Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã “khai trương” đơn hàng xuất khẩu đầu tiên nhưng vấn đề phí container giá cao đang khiến doanh nghiệp băn khoăn.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú, chia sẻ: Năm 2020, lẽ ra đơn vị này có thể xuất khẩu được nhiều hơn, nhưng do tình trạng thiếu container rỗng, không có tàu, cho nên, đã có một khối lượng sản phẩm nhất định vẫn phải nằm trong kho. “Đúng ra năm nay Minh Phú có thể xuất khẩu được nhiều hơn, nhưng do không có tàu, không có container nên hàng không xuất khẩu được, đang nằm trong kho”, ông Quang cho biết.
Theo ông Quang, giá cước container loại 20 feet từ Việt Nam đi thị trường châu Âu đã tăng từ mức 1.200-1.500 USD/container của tháng 6.2020 lên 7.000-8.000 USD/container hiện nay. Mức tăng tương ứng đối với container loại 40 feet là từ 1.500-1.800 USD/container lên 8.000-10.000 USD/container. Năm 2020, Minh Phú sản xuất với tổng sản lượng tôm chế biến xuất khẩu đạt 55.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 580 triệu USD, trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả ngành đạt khoảng 4 tỉ USD.
Năm 2020 doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn kép. Ảnh: dautu |
Cũng chung cảnh ngộ với Minh Phú, Chủ tịch Navico (ANV), ông Đỗ Lập Nghiệp nhấn mạnh tình hình cực kỳ khó khăn, đặc biệt những tháng cuối năm. Giá cước hiện tăng gấp 2-3 lần, từ mức 200-300 USD lên đến 600-700USD, chưa kể không có container để sử dụng.
"Có thể nói là xuất khẩu nói chung và thủy sản nói riêng đang gặp khó khăn kép. Dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm tác động không hề nhỏ đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, điều này ai cũng biết. Và bây giờ, việc thiếu hụt container trầm trọng, cùng với chi phí giá cước tăng khiến doanh nghiệp rất khó khăn, ảnh hưởng đến 20-30% năng suất kinh doanh. Điều này cần Nhà nước, Bộ Công Thương tham gia giải cứu để có thể tháo gỡ", ông Lập Nghiệp cho hay.
Theo Navico dự báo tình trạng thiếu container sẽ kéo dài hết quý I/2021, Công ty này sẽ tăng cường làm việc với các khách hàng, kêu gọi chia sẻ giá cước để hỗ trợ nhau trong giai đoạn khó khăn.
Ngoài việc giá cước tăng chóng mặt, tình trạng khan hiếm container rỗng cũng khiến kế hoạch xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp bị chững lại. Ảnh: dautu |
Bị ảnh hưởng nhiều vì thiếu container, Công ty Phúc Sinh thống kê trung bình tháng 12 doanh nghiệp có thể xuất 40 - 45 container hàng nông sản, nhưng hiện nay số hàng xuất chưa bằng 1/5 thông thường. Ngoài việc giá cước tăng chóng mặt, tình trạng khan hiếm container rỗng cũng khiến kế hoạch xuất khẩu bị chững lại.
"Bây giờ cà phê và tiêu đang vào vụ nhưng chúng tôi không thể mua được vì có xuất khẩu được đâu. Tôi nghĩ điều này sẽ gây ảnh hưởng lên giá của nông dân, của nhà cung cấp bởi vì chúng tôi không thể mua được nếu chúng tôi không xuất được", ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Công ty Phúc Sinh nói.
Bao giờ giá giảm?
Trong cuộc họp về việc tăng giá vận tải hàng hóa container bằng đường biển diễn ra ngày 12.1, nhiều chủ hàng trong các ngành thủy sản, nhựa và gỗ chia sẻ: Hơn 3 tháng nay giá thuê container rỗng liên tục tăng, từ mức ban đầu chưa tới 1.000 USD/container 40 feet thì nay đã đội giá lên tới 8.000 USD, thậm chí là 10.000 USD/container 40 feet đi thị trường Anh. Đây là mức tăng bất hợp lý và các hãng tàu cần có sự minh bạch thông tin về giá, cũng như mức tăng sao cho phù hợp hơn.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA,) cho biết: Việc tăng cước vận tải biển lên gấp 3-4 lần trong thời gian vừa qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp ngành nhựa, làm giảm doanh số xuất khẩu. Hiện đã có 1 doanh nghiệp của Ấn Độ trong khu công nghiệp Việt Nam - Singapore chuyên sản xuất sợi xuất khẩu tuyên bố đóng cửa nhà máy trong tháng 12.2020.
Nhiều doanh nghiệp ngoại ngừng sản xuất hoặc bán hàng không lợi nhuận vì cước phí cao. Ảnh: hungalogistic |
Lý do mà doanh nghiệp này đưa ra là do giá cước tàu biển quá cao, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và chi phí sản xuất tại Việt Nam không còn rẻ như trước đây. Vì thế họ đã cho tạm dừng tất cả các đơn hàng từ tháng 12.2020. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhựa khác thì bán hàng gần không lợi nhuận nhưng lượng hàng xuất đi vẫn rất chậm, số lượng hàng tồn kho so với thời điểm này năm ngoái lên đến 50%.
Theo chia sẻ của các hãng tàu, do ảnh hưởng dịch bệnh khiến việc giải phóng hàng và quay vòng container rỗng bị kéo dài. Thêm vào đó, lượng hàng xuất đi Châu Âu, Mỹ tăng đột biến dẫn tới thiếu container rỗng đóng hàng. Một số hãng tàu khẳng định không cắt giảm chuyến đi từ Việt Nam, thậm chí còn tăng chuyến, nhưng do lượng container thiếu hụt trầm trọng nên dẫn tới tình trạng hiện nay.
Các hãng tàu cũng cho biết tình hình này ít nhất kéo dài đến hết tháng 3.2021, thậm chí có thể đến quý II/2021 nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Để ứng phó, các hãng tàu đề xuất: Các cơ quan chức năng xem xét giải quyết tình trạng hàng ngàn container vô chủ ở cảng để “lấy nguồn” container rỗng cho xuất khẩu.
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, “Tôi cho rằng việc giá cước thuê container rỗng đóng hàng tăng là cung cầu của thị trường nhưng các hãng tàu cần thực hiện yêu cầu của Cục Hàng hải trong minh bạch giá. Riêng đối với các đề xuất phương án ứng phó như giải tỏa container tồn đọng ở cảng… chúng tôi sẽ có những cân nhắc phù hợp”, ông Giang cho biết.
Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, chia sẻ: “Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải sẽ có báo cáo Thủ tướng về vấn đề này để đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa các bên”, ông Hải nhấn mạnh. Bên cạnh đó, ông Hải cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần có kế hoạch trao đổi với đối tác giãn tiến độ giao hàng, đồng thời nghiên cứu việc vận chuyển sang Châu Âu bằng đường sắt để tránh phụ thuộc vào đường biển.
►Sau thâu tóm nông nghiệp Bầu Đức, Thagrico “phình to” và lên sàn?