Doanh nghiệp ngóng hoạt động trở lại nhưng còn gặp nhiều trở ngại. Ảnh: TL.
Doanh nghiệp đang "tìm đường" trở lại ra sao?
Doanh nghiệp mong chờ hoạt động
Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến "Những giải pháp kinh doanh trong mùa dịch", ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Thành phố Thủ Đức, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn bày tỏ mong muốn TP.HCM sớm có lộ trình, chính sách để doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Theo ông Trần Việt Anh, được hoạt động trở lại là điều các doanh nghiệp đang rất cần đối với khu vực thành phố và các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt những doanh nghiệp ở lĩnh vực xuất khẩu trụ cột như dệt may, thủy sản, điện tử… càng cần khôi phục hoạt động để không mất cơ hội và thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài. "Mong muốn hoạt động trở lại là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và chúng tôi cũng kỳ vọng chính quyền thành phố và Chính phủ đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để sẵn sàng hoạt động sản xuất - kinh doanh sau giãn cách", ông Trần Việt Anh chia sẻ.
Cũng tại hội thảo này, ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch CLB Doanh nhân Thanh Hóa tại TP.HCM và phía Nam, cho rằng có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp khi trở lại "đường đua" với điều kiện doanh nghiệp cần thay đổi cách thức quản trị, kinh doanh trong thời kỳ mới.
Các doanh nghiệp mong muốn sớm có lộ trình, chính sách để doanh nghiệp hoạt động trở lại. Ảnh: TL. |
Chia sẻ với tư cách là Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng, ông Trịnh Tiến Dũng cho biết năm 2020 doanh nghiệp của ông bị thiệt hại nặng nề khi đại dịch lần đầu tiên bùng phát, qua năm nay, doanh nghiệp đã xoay xở để trở lại bằng cách chuyển sang thị trường trong nước, đồng thời đầu tư, phát triển thêm những lĩnh vực mới, tạo dòng đời sản phẩm an toàn hơn.
"Chúng tôi áp dụng rất nhiều biện pháp quản trị, kiểm soát rủi ro, chi phí, chuyển đổi số để vẫn có khách hàng ở nước ngoài và mọi giao thiệp với đối tác nước ngoài đều qua kênh online, số hóa các công đoạn sản xuất, vận chuyển, logistics…Nhờ đó, công ty duy trì được hoạt động sản xuất và có thêm cơ hội dù ở giai đoạn thị trường chung khó khăn vì dịch", ông Dũng cho biết.
Nói đến tình hình các doanh nghiệp lĩnh vực chế biến gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cho rằng: Nhiều thành viên của Hawa xác định đến 15/10 vẫn duy trì "3 tại chỗ", cùng với tăng cường y tế tại chỗ. Theo ông Phương, củng cố y tế tại chỗ sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động sàng lọc nguồn lao động sạch trong quá trình sản xuất "3 tại chỗ" và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Do vậy Hawa đã tổ chức các hội thảo trực tuyến để phổ biến y tế tại chỗ cho các hội viên với sự hướng dẫn của các chuyên gia dịch tễ và các bác sĩ điều trị.
Một số doanh nghiệp hội viên Hawa đã mua máy thở oxy dự phòng, thiết lập khu chăm sóc y tế riêng kết nối với y tế địa phương để tổ chức cách ly. Ảnh: TL. |
Một số doanh nghiệp hội viên Hawa đã mua máy thở oxy dự phòng, thiết lập khu chăm sóc y tế riêng kết nối với y tế địa phương để tổ chức cách ly, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh trong khi chờ địa phương xử lý.
Đối mặt với thiếu hụt nguồn lao động
Mong muốn sớm quay lại thị trường nhưng hầu hết các doanh nghiệp lại gặp phải vấn đề chung là thiếu hụt nguồn nhân lực. Hiện nay, thiếu hụt nhân sự của doanh nghiệp là một trong những khó khăn lớn nhất khi hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách. Theo ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, doanh nghiệp nào cũng muốn chuẩn bị kế hoạch để khôi phục sản xuất càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu thực hiện 3 tại chỗ công ty mất 20% lao động, sau khi thực hiện 3 tại chỗ, công ty tiếp tục mất thêm 10-20% lao động.
Sau một thời gian làm việc theo mô hình “3 tại chỗ”, tâm lý của người lao động đang có phần dao động. Để duy trì sự ổn định, doanh nghiệp đã tăng phúc lợi để giữ chân lao động hoạt động trong thời điểm này. Hiện tại TP.HCM nới lỏng cho nhiều doanh nghiệp hoạt động, nhưng để trở lại một cách bình thường rất khó bởi nguồn nhân lực không đủ để đáp ứng sản xuất trong ngày một ngày hai.
Theo ông Thiện, hiện những công nhân đang làm việc tại Vịnh Thành Đạt đã được tiêm 2 mũi vaccine, sinh sống gần nhà máy nên sẽ rất thuận tiện nếu được áp dụng "4 xanh". Ông cho biết, trong kế hoạch "4 xanh" chuẩn bị trước đây, Công ty Vĩnh Thành Đạt đã tính đến phương án "đi chợ hộ" công nhân để bảo đảm người lao động chỉ di chuyển từ nhà đến công ty và ngược lại. Theo Vĩnh Thành Đạt, các công ty đều thực hiện tốt 5K, công nhân tiêm đủ 2 mũi vaccine, nhưng việc duy trì xét nghiệm COVID-19 định kỳ đang khiến doanh nghiệp chịu áp lực về chi phí.
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng hết tháng 9 này khi các giải pháp chống dịch được nới lỏng thêm một bước nữa sẽ có cơ hội nhiều hơn để họ trở lại một cách an toàn. Ảnh: Tongcuchaiquan. |
Thực tế, nhiều doanh nghiệp chịu chi phí xét nghiệm rất lớn và kéo dài, cộng thêm chi phí đầu vào cho sản xuất - kinh doanh, từ nguyên phụ liệu, bao bì, vận chuyển, tiền lương tiền công, phúc lợi…đều tăng trong khi giá bán sản phẩm không dễ thay đổi.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM khẳng định nếu không giữ được người lao động đã đào tạo nhiều năm thì có thể 1-2 tháng nữa, khi khống chế được dịch bệnh thì doanh nghiệp không có công nhân để sản xuất.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng, cho biết các doanh nghiệp hiện bị động chờ đợi Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn người lao động được đi làm trở lại để tuyển dụng. Mặt khác, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, ông lưu ý không nên bỏ qua những lao động là F0 đã tự khỏi bệnh ở nhà. Đây là nguồn cung lao động lớn và an toàn khi bản thân đã có kháng thể, cần được nhận diện để bổ sung cho các nhà máy. Ngoài ra, các quy định lưu thông cho người lao động trên cả nước cũng cần được thống nhất nếu không, lực lượng lao động ở các địa phương khác sẽ khó đến các trung tâm sản xuất để làm việc.
Các doanh nghiệp nước ngoài: Cơ hội đầu tư có thể không quay lại Việt Nam nếu chậm mở cửa