Doanh nghiệp Đài Loan muốn gì sau sự kiện Vũng Áng?
Tại cuộ họp, Tổng hội trưởng Hiệp hội doanh nghiệp thương gia Đài Loan tại Việt Nam, bà Lưu Mỹ Đức cho biết, có thể nói những nhà đầu tư Đài Loan là những nhà đầu tư sớm nhất đến Việt Nam trong thời kỳ đầu và cũng là những doanh nghiệp tạo công ăn việc làm nhiều nhất cho người Việt Nam. Tuy nhiên, sau sự kiện Vũng Áng, hàng trăm công nhân xông vào đập phá, hủy hoại nhà xưởng, 1/10 số nhà đầu tư Đài Loan tại Việt Nam đã bỏ về Đài Loan do quá sợ hãi.
Đến nay, các nhà đầu tư tiếp tục nghe ngóng xem Chính phủ Việt Nam có hành động đảm bảo an toàn cho họ đầu tư như thế nào. “Chúng tôi vẫn có nhiều người bày tỏ niềm tin với Việt Nam và những niềm tin chỉ được củng cố bởi những hành động trong tương lai của Việt Nam”, bà Đức nhấn mạnh.
Bà cũng đã bày tỏ những đề xuất, khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam:
Thứ nhất là vấn đề liên quan tới tiền lương của người lao động khi doanh nghiệp ngừng sản xuất trong thời gian qua. Đây là việc làm cấp bách cần xử lý ngay, nếu không thì sắp tới đây sẽ phải đối mặt với xung đột xã hội giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Thứ hai là hỗ trợ bảo hiểm xã hội bắt buộc với người lao động để giảm thiểu gánh nặng cho các doanh nghiệp chịu tổn thất. Ngoài ra, Chính phủ cần nới lỏng các quy định với lao động nước ngoài để doanh nghiệp Đài Loan nhanh chóng tìm được cán bộ thay thế sau khi nhiều cán bộ Trung Quốc về nước.
Thứ ba, để các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam kịp thời đến với các doanh nghiệp chịu thiệt hại, Chính phủ cần thành lập 1 đầu mối tại các tỉnh thành để xử lý hậu quả sự việc ngày 13/5 để có thể liên lạc kịp thời, xử lý kịp thời. Trên thực tế các doanh nghiệp Đài Loan đã mất rất nhiều dữ liệu, thông tin sau sự việc ngày 13/5, nếu không có sự hỗ trợ từ 1 đầu mối thì họ sẽ phải tới rất nhiều cơ quan ban ngành.
Hai vấn đề nữa mà phía doanh nghiệp Đài Loan cần hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam gồm:
1. Xác thực, thủ tục xác thực tình trạng tổn thất của doanh nghiệp, đề nghị đưa ra bộ trình tự quy trình cụ thể để xác định tình trạng tổn thất của doanh nghiệp để các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục ở lại và sớm quay trở lại đầu tư sản xuất có thể tiếp tục sản xuất kinh doanh.
2. Bồi thường: Việc bồi thường như thế nào để thể hiện thiện chí của Chính phủ Việt Nam là điều mà chúng tôi muốn nhìn thấy. Việc làm đó là để tăng cường niềm tin của các doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam, tốc độ xử lý cần phải rất nhanh.
Nguồn Theo DVO