Hình ảnh cấp tiền COVID-19. Ảnh: Quý Hòa.
Doanh nghiệp đã kiệt sức mà vẫn chưa thấy tiền hỗ trợ!
“Công nhân phải nghỉ làm chỉ khi doanh nghiệp không có doanh thu, mà nếu không có doanh thu trong 2-3 tháng thì đã đóng cửa rồi, cần gì phải vay để trả tiền lao động?”, ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Công ty thảm Âu Lạc, nhận định về gói vay tín dụng 16.000 tỉ đồng. Cũng như Âu Lạc, sức ép đang dồn lên vai nhiều doanh nghiệp sau gần một năm tê liệt vì hậu quả của dịch bệnh. Hàng hóa không bán được trong khi vẫn phải chi trả lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng, kho sản phẩm... cùng với tiền lương, bảo hiểm xã hội.
Trong khi đó, các gói hỗ trợ dường như ngoài tầm với của hầu hết các doanh nghiệp với nhiều tiêu chí bất hợp lý như doanh nghiệp không nợ xấu, doanh nghiệp phải trả 50% bảo hiểm, doanh nghiệp phải chứng minh hết tiền...
Thực tế, theo thông tin Ngân hàng Nhà nước qua 5 tháng triển khai chính sách hỗ trợ, chỉ có một doanh nghiệp trên cả nước đủ điều kiện vay gói tín dụng 16.000 tỉ đồng có lãi suất 0% để phục vụ trả lương ngừng việc cho người lao động. Theo thống kê và khảo sát chưa đầy đủ từ VCCI, chỉ có 20% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ các gói hỗ trợ trong đại dịch COVID-19. Trong khi đó, số liệu cập nhật tình hình kinh tế xã hội mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38.600 doanh nghiệp, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm 2019; số doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký lên tới 36.500 trường hợp, tăng 39,6%.
Theo đánh giá của Công ty Tư vấn McKinsey, một số ngành bị tác động rất mạnh bởi COVID-19 như chế biến, chế tạo, vận tải và kho bãi, các dịch vụ khác có thể phải mất 4-5 năm (tính từ năm 2020) mới có được mức tăng trưởng như năm 2019. Nhóm ngành phân phối, xây dựng, kinh doanh bất động sản, dịch vụ công cộng, bán lẻ... cũng sẽ mất ít nhất 3 năm để hồi phục.
Trước đó, gói tín dụng 250.000 tỉ đồng từng được kỳ vọng trở thành phao cứu sinh của nhiều doanh nghiệp đang vật lộn với khủng hoảng do dịch bệnh tàn phá. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp đều phản hồi về việc không nhận được các gói hỗ trợ tài khóa, tín dụng, đặc biệt là gói vay không lãi suất để trả lương người lao động ngừng việc. Nguyên nhân là do điều kiện để doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ này quá khắt khe, khó có doanh nghiệp nào đáp ứng. Chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu bình luận: “Sau mấy tháng triển khai, rất ít người được tiếp cận nên phần đông doanh nghiệp đã mất hết hy vọng vào gói hỗ trợ”.
Giày xuất khẩu Công ty Vinh Thông. Ảnh: Qúy Hòa. |
Trong lần bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ để chống đỡ cho nền kinh tế như gói hỗ trợ về tài khóa có quy mô 180.000 tỉ đồng với các biện pháp giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất, gói hỗ trợ tiền tệ 250.000 tỉ đồng và một gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định rằng các tiêu chí được đặt ra quá ngặt nghèo, không phù hợp với thực tế khiến cho sự hỗ trợ khó đến được doanh nghiệp.
Đây là thời điểm các doanh nghiệp đang rất cần vốn, cần hỗ trợ để có thể tồn tại và tìm hướng phát triển. Trước thông tin Chính phủ đang tính toán cho gói hỗ trợ đợt 2, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị sử dụng quỹ bảo lãnh tín dụng cộng thêm vốn tái cấp của Ngân hàng Nhà nước giúp cho các ngân hàng thương mại mạnh dạn tung vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quỹ bảo lãnh tín dụng đặt ở các địa phương lại chỉ có mức vốn điều lệ khoảng 100 tỉ đồng, không đủ sức bảo lãnh cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn.
Nhiều chuyên gia cũng đề xuất gói hỗ trợ thuế thứ 2 cần tập trung thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, kích thích tiêu dùng. Theo đó, quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% hiện nay không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỉ đồng mà nên mở rộng cho tất cả các doanh nghiệp. Còn thuế giá trị gia tăng nên giảm 50% so với mức thuế suất đang áp dụng, từ 10% xuống còn 5%. Bởi vì, đối với những lĩnh vực gặp khó khăn như hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn..., việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí, qua đó mới đủ sức kích thích tiêu dùng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), gói hỗ trợ doanh nghiệp kế tiếp nên theo hướng hỗ trợ để tiếp sức cho đà hồi phục, tăng trưởng trong những năm tới, thúc đẩy mô hình kinh doanh mới, sáng tạo mới. “Các nhà hoạch định chính sách cũng cần dũng cảm đánh giá thực trạng để chọn các ưu tiên hỗ trợ phù hợp yêu cầu phát triển của nền kinh tế”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhận xét.