Doanh nghiệp chủ động nhiều giải pháp tiêu thụ hàng tồn kho
Hiện Tổng Công ty chỉ đạo các đơn vị thành viên hỗ trợ, chia sẻ đơn hàng cho nhau, xây dựng các chính sách giá bán hàng phù hợp với từng phân khúc thị trường.
Mặc dù lượng hàng tồn kho không nhiều, nhưng Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam vẫn tập trung mở thêm thị trường Myanmar, Srilanka, Bangladesh, nhờ xuất khẩu sản phẩm động cơ nên nhiều đơn vị trong Tổng Công ty đã bảo đảm được các chỉ tiêu sản xuất, tốc độ tăng trưởng của Tổng Công ty 7 tháng đầu năm đạt trên 20%, giá trị sản lượng tăng trưởng 23%.
Đối với một số sản phẩm xe tải của Tổng Công ty có lượng tồn kho cao, Tổng Công ty sẽ xem xét các thị trường và tính toán giảm giá, chấp nhận lỗ một phần, ngoài ra, Tổng Công ty tổ chức lại toàn bộ hệ thống đại lý, giảm bớt đầu mối hệ thống đại lý và nâng cao chất lượng dịch vụ .
Một trong những ngành có lượng hàng tồn kho lớn hiện nay là thép xây dựng. Sang tháng 7 sản lượng sản xuất thép của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) giảm 13% so với tháng trước, giá bán và chiết khấu giảm thêm từ 300 - 900 đồng/kg, thậm chí đến 1.200 đồng/kg nhưng vẫn rất khó tiêu thụ. Lượng thép tồn kho của toàn ngành lên tới 120,8%.
Tại cuộc làm việc mới đây với Bộ Công Thương, bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu cho biết Vụ sẽ làm việc với Tổng cục Hải quan, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tăng cường kiểm tra kiểm soát CO thép nhập khẩu vào Việt Nam để bảo vệ sản xuất trong nước và giữ uy tín cho sản phẩm Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, thép xây dựng nằm trong mặt hành thiết yếu, hệ thống phân phối của VNSteel lại rất mạnh, vì thế Tổng Công ty cần tiếp tục đi sâu vào các chương trình hạ tầng nông thôn như làm đường bê tông đang được Chính phủ triển khai hay liên kết với các Sở Công Thương để kết nối đưa hàng về tiêu thụ. Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ kết nối cho doanh nghiệp và địa phương.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, hiện nay, doanh nghiệp chỉ còn cách giảm giá bán hàng để kích thích sức mua của thị trường. Tuy nhiên, để doanh nghiệp giảm giá bán hàng hóa, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ về chính sách của các Bộ, ngành liên quan.
Theo đó, cùng với lãi suất thấp của ngân hàng, Bộ Tài chính cần triển khai các phương án miễn, giảm các loại thuế và phí, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Về đầu vào của doanh nghiệp, các Bộ cần thận trọng trong điều hành, nhất là khi điều chỉnh giá xăng dầu, điện, than... cần cân nhắc để hạn chế tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp .
Nguồn Chinhphu.vn