Mô hình "3 tại chỗ" dựa trên tinh thần tự nguyện của người lao động. Ảnh: TL.

 
Minh Anh Thứ Hai | 27/09/2021 10:09

Doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm áp dụng “3 tại chỗ”

Suốt 2 tháng thực hiện “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp đã có nhiều tình huống phát sinh và những cách giải quyết khác nhau.

Y tế tại chỗ

Nhà máy của Công ty Minh Long 1 ở Bình Dương chuyên sản xuất sản phẩm gốm sứ chất lượng cao. Tháng 7, theo yêu cầu phòng chống dịch, Minh Long 1 bắt đầu thực hiện 3 tại chỗ để duy trì sản xuất và dừng hẳn sau hơn 2 tháng hoạt động vì nhiều lý do. Ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Minh Long 1, chia sẻ về quá trình thực hiện 3 tại chỗ của công ty và những tình huống bất ngờ xảy đến.

Thực tế, mô hình "3 tại chỗ" dựa trên tinh thần tự nguyện của người lao động, ban đầu có 800 trong số 2.500 người lao động của Minh Long 1 đăng ký vào làm việc. Sau 2 tháng, số lao động chỉ còn gần 50 người và dần dần Minh Long 1 phải dừng sản xuất hoàn toàn.

Đáng chú ý là, ngay cả khi 3 tại chỗ, tại đây đã có ca F0, từ 1 ca, 2 ca và 200 ca. Công ty đã thực hiện cách ly F0 ngay trong toà nhà của mình, chăm sóc và điều trị với sự hỗ trợ của ngành y tế, chỉ những trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng mới đưa vào điều trị tập trung. Cuối cùng, mọi việc đều ổn và ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Minh Long 1 cho rằng, kinh nghiệm lớn nhất là tiêm vaccine, giữ bình tĩnh khi có người nhiễm và thực hiện chăm sóc thật tốt các F0.

Ảnh: TL.
Nhà ăn theo thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì hoạt động. Ảnh: TL.

Từ ngày 1/7, cũng thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì hoạt động theo yêu cầu của chính quyền, Công ty Cỏ May chuyên về sản xuất và chế biến nông sản, có các nhà máy ở Đồng Tháp đã triển khai thêm “y tế tại chỗ”. Cho nên với số lao động lên đến hàng trăm người, chiếm 70% tổng số lao động của công ty thực hiện “3 tại chỗ” và có xuất hiện F0 nhưng hoạt động của Cỏ May sau 3 tháng “4 tại chỗ” vẫn ổn.

Ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Cỏ May nói: "Mọi thứ đều sụt giảm, chỉ có chi phí tăng, nên sức chịu đựng của doanh nghiệp rất cam go. Hướng sắp tới là doanh nghiệp thuận theo quyết định của Chính quyền, từ Trung ương đến địa phương. Mình chỉ trông đợi dịch qua đi thì mới có thể phục hồi lại mọi thứ."

“3 tại chỗ” và “y tế tại chỗ” đã được một số doanh nghiệp thực hiện gần 3 tháng qua để có thể duy trì sản xuất, ổn định sức khoẻ cho người lao động. Kinh nghiệm của các doanh nghiệp là phải làm sao cho nhà xưởng của mình thật xanh và công nhân của mình thật sạch. 

Mô hình “3 tại chỗ” có tiếp tục?

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, một nhà khoa học hiện là Tổng giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan, chuyên sản xuất và xuất khẩu vật liệu quang điện tử ở tỉnh Trà Vinh cho rằng, để sản xuất kinh doanh trong điều kiện có dịch, về lâu về dài, không thể “3 tại chỗ” mãi, mà doanh nghiệp cần chuyển sang “2 xanh” và “1 sạch”. Công ty Mỹ Lan đang xây dựng nhà máy xanh, cùng chính quyền lo chỗ ở cho người lao động xanh và hướng dẫn, hỗ trợ từng người lao động giữ sạch cho mình trước dịch bệnh.

Mô hình xét nghiệm mới của TS Nguyễn Thanh Mỹ giúp giảm thiểu chi phí xét nghiệm. Ảnh chụp màn hình
Mô hình xét nghiệm mới của TS Nguyễn Thanh Mỹ giúp giảm thiểu chi phí xét nghiệm. Ảnh: TL

Ông Nguyễn Thanh Mỹ cho biết: "Sống chung với dịch và công ty mình triển khai hệ thống giám sát tự đông, thực hiện mô hình 2 xanh 1 sạch, tức là nhà xưởng xanh, chỗ ở xanh và nhân viên không bệnh. Hệ thống Camera hồng ngoại kết hợp AI để tự động tìm ra những người có sốt, có nguy cơ." Những ngày sắp tới, doanh nghiệp vẫn chờ đợi chiến lược cho sản xuất, phục hồi kinh tế của Chính phủ và các địa phương. Nếu mô hình “3 tại chỗ” tiếp tục phải duy trì thì nhiều doanh nghiệp sẽ chọn lựa những bộ phận, những nhóm cụ thể của từng dự án để thực hiện, chứ không đại trà, mở rộng.

Bát ngờ khi được hỏi về quá trình Công ty Nhựa Bình Minh thực hiện 3 tại chỗ, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh cho biết, công ty có 4 nhà máy ở 4 tỉnh, thành thì 3 tháng qua có 3 nhà máy ở Bình Dương, Long An, TP.HCM thực hiện “3 tại chỗ”. Quan trọng nhất là người chủ doanh nghiệp phải giữ vững được tinh thần cho người lao động, không chủ quan nhưng cũng không quá sợ hãi trước dịch bệnh.

Ông Ngân chia sẻ: "Trong thời gian 3T, tôi nói đùa là không có giám đốc nhà máy mà có chính trị viên. Vai trò rất quan trọng của cán bộ quản lý trong ổn định tâm lý. Thật sự thì tâm lý người lao động rất dao động. Nên với cán bộ quản lý thì phải tăng cường làm công tác tư tưởng, truyền thông nội bộ. Tôi cho rằng điều đó rất quan trọng, bên cạnh vấn đề chăm sóc thể chất".

Ảnh: TL.
Nhưng nhiều chủ doanh nghiệp mong muốn, một khi đã xác định sống chung với dịch thì mong sản xuất kinh doanh cũng theo hướng đó. Ảnh: TL.

Giữa tháng 6/2021, khi thấy tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam ngày càng phức tạp khôn lường, HĐQT Công ty Cổ phần Việt Long Sài Gòn, quận 8, TP HCM, đã thu thập thông tin, phân tích vấn đề một cách khoa học và đưa ra nhận định "dịch bệnh còn kéo dài và sẽ bùng phát hơn nữa trong thời gian tới".

Với quyết tâm đó, ban tổng giám đốc đã lập kế hoạch và triển khai"chương trình 5C: cùng ăn - cùng ở - cùng sinh hoạt - cùng sản xuất - cùng làm việc" trong phạm vi khuôn viên nhà máy dựa trên mô hình "3 tại chỗ" của Chính phủ. Đầu tháng 7, công ty đã mời bệnh viện đến xét nghiệm cho toàn bộ nhân sự trước khi "gia nhập 5C" và đáng mừng là toàn bộ đều có kết quả âm tính, sẵn sàng "nhập ngũ vào doanh trại", một cụm từ vui mà anh chị em ở đây hay gọi khi tham gia chương trình 5C.

Nhưng nhiều chủ doanh nghiệp mong muốn, một khi đã xác định sống chung với dịch thì mong sản xuất kinh doanh cũng theo hướng đó. Tức là, tổ chức sản xuất trong điều kiện an toàn nhất có thể, không ngừng sản xuất vì một số ca F0, doanh nghiệp tự tin để tìm cách thích nghi.

Có thể bạn quan tâm:

Phục hồi kinh tế đứng trước khủng hoảng lao động​