Doanh nghiệp chỉ mong "luồng đỏ", không cần "luồng xanh"
Cụ thể, thủ tục hải quan điện tử nhưng vẫn phải xuất trình hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu xuất trình giấy tờ hải quan ở mỗi khu vực lại khác nhau. Quy định mỗi tờ khai chỉ được khai tối đa 50 dòng hàng, doanh nghiệp phải thêm chi phí nhân lực, thời gian. Bên cạnh đó, mỗi tờ khai phải viết một giấy nộp tiền, khiến có doanh nghiệp phải thuê thêm riêng 1 người chỉ để viết giấy nộp tiền.
Bà An chỉ rõ, thủ tục giám sát kho bãi của Hải quan chưa có sự phối hợp với cảng, mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Theo bà An, làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp vẫn phải cung cấp thêm khoảng 12 loại giấy tờ như giấy giới thiệu, giấy cam kết..., con số này nhiều hơn so với số liệu khoảng 5 - 6 giấy tờ như khảo sát trước đó.
Doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc luân chuyển chứng từ nộp thuế từ ngân hàng đến kho bạc còn chưa kịp thời, việc xin hoàn và chuyển thuế XNK đã nộp tờ khai hủy rất khó khăn.
Đối với hàng nhập khẩu trả lại, thủ tục hoàn thuế hướng dẫn chưa thống nhất. Bà An dẫn cụ thể hàng về phân tờ khai "luồng xanh", tức là hàng hóa được miễn kiểm tra thực tế, nhưng hồ sơ hoàn thuế yêu cầu phải có kết quả kiểm tra của hàng nhập khẩu bị trả lại, do đó nhiều doanh nghiệp chỉ mong "luồng đỏ", không cần "luồng xanh".
Hầu hết các hàng hóa XNK thuộc "luồng xanh" được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, chỉ kiểm tra sơ bộ hồ sơ sau đó thông quan. Luật Hải quan cũng quy định rõ nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm. Với tờ khai "luồng xanh" doanh nghiệp in 2 bản tờ khai điện tử, ký tên, đóng dấu doanh nghiệp, đem ra cơ quan Hải Quan nộp cho cán bộ đăng ký đóng dấu thông quan hàng hóa. Trường hợp này, cán bộ đăng ký ký thông quan hàng hóa.Với tờ khai "luồng đỏ", doanh nghiệp in 2 bản tờ khai điện tử, ký tên, đóng dấu doanh nghiệp, kèm bộ chứng từ XNK cần thiết đem ra cơ quan Hải quan. Tờ khai sẽ được xử lý qua các khâu đăng ký - tính thuế và cuối cùng là kiểm hoá để kiểm tra thực tế hàng hóa. Trường hợp này, cán bộ kiểm hóa ký thông quan hàng hóa. |
Nguồn Theo DVO