Nhân viên nhà máy Nestlé vẫn duy trì sản xuất.

 
Minh Nguyễn Thứ Sáu | 10/09/2021 08:00

Doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng môi trường kinh doanh tại Việt Nam

Giới đầu tư nước ngoài hiện vẫn quan sát và quyết định, chờ thời cơ đầu tư vào Việt Nam cũng như khôi phục sản xuất.

Nhiều chuyên gia cho rằng, dịch bệnh Covid-19, nhất là làn sóng lây nhiễm thứ 4 tại Việt Nam có thể làm gia tăng tâm lý phân vân, e ngại của giới đầu tư. Nhất là việc các địa phương thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, sản xuất của các nhà máy bị ngưng trệ, công nhân mất việc làm, ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang duy trì phương thức “3 tại chỗ” chỉ sản xuất được 10-50% công suất; một số phải ngừng một phần dây chuyền sản xuất do thiếu hụt nguồn cung từ Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giới đầu tư nước ngoài hiện vẫn quan sát và quyết định, chờ thời cơ đầu tư vào Việt Nam cũng như khôi phục sản xuất. Thực tế, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho hay những ảnh hưởng của đợt dịch lần 4 trên diện rộng đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp EU tại Việt Nam. "Hiện nay, thế giới đã mở cửa, nhu cầu ở châu Âu tăng mạnh, nhưng do không thể sản xuất được, nên 18% đơn hàng đã được chuyển đi, và 16% đơn hàng khác đang cân nhắc chuyển sang nước khác vì nghĩ tình hình này có thể kéo dài hơn. “Tôi xin nhấn mạnh đây là chuyển đơn đặt hàng và là quyết định tạm thời thôi, chứ chưa có nhà đầu tư nào rút ra khỏi Việt Nam", ông Alain Cany nói.

 

Ở góc độ kinh doanh, nhiều doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống nước ngoài cũng phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức do tác động của đợt dịch bênh lần này như vấn đề về hậu cần, nhu cầu tiêu dùng giảm, vấn đề an toàn tại nơi làm việc, thiếu nhân công, và đặc biệt là đứt gẫy chuỗi cung ứng. “Mặc dù vậy, doanh nghiệp chúng tôi tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực và chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam”, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết. Vừa qua, Nestlé đã công bố khoản đầu tư tại Việt Nam trị giá hơn 130 triệu USD trong hai năm, đưa tổng đầu tư lên trên 730 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư nước ngoài là hoạt động mang tính dài hạn, các nhà đầu tư nước ngoài trước khi bỏ vốn đầu tư tại Việt Nam họ cũng đã nghiên cứu rất kỹ chứ không phải nhất thời. Vì vậy, không thể có chuyện vì giãn cách để phòng, chống dịch, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian ngắn sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

 

Thực tế, dịch bệnh là vấn đề toàn cầu và nhiều nước trong khu vực cũng đang phải vất vả ứng phó với đại dịch Covid-19 và tìm các giải pháp phục hồi. Theo đó, thu hút FDI toàn cầu hiện đã sụt giảm đến 38% xuống mức thấp nhất tính từ 2005. Trong đó, riêng khu vực châu Âu chịu mức sụt giảm nghiêm trọng nhất với 71%. Các quốc gia ASEAN có mức giảm tương đối với 31%. Trong đó, Malaysia hứng chịu xu hướng tồi tệ nhất với mức giảm lên đến 68%, Thái Lan, nước láng giềng của Việt Nam cũng ghi nhận mức giảm 50%...

Nếu so với một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, môi trường đầu tư Việt Nam hiện vẫn đang được đánh giá cao. Trong đó cần kể đến yếu tố chính trị ổn định, chính sách thu hút FDI cởi mở, Việt Nam lại đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới thông qua một loạt các Hiệp định thương mại tự do, quy mô dân số gần 100 triệu dân và chi phí đầu tư, thuê nhân công tại Việt Nam rẻ hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải chạy đua kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế nếu không muốn làm nản lòng các nhà đầu tư vì các biện pháp giãn cách kéo dài. Như các doanh nghiệp đề xuất, để tăng khả năng cạnh tranh FDI của Việt Nam, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cũng cần có cách làm linh hoạt hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Theo Chủ tịch EuroCham, những gì các doanh nghiệp thành viên Eurocham cần là một lộ trình rõ ràng cho các biện pháp hiện tại, một giải pháp giải quyết những rào cản đối với hoạt động thương mại, một lộ trình có thể dự đoán được để lên kế hoạch khởi động trở lại các hoạt động kinh doanh. Chủ tịch EuroCham mong muốn Chính phủ Việt Nam có những hành động sớm hơn để đẩy nhanh tiến độ triển khai vắc xin, mở cửa hoạt động sản xuất. "Một trong những vấn đề cấp bách nhất bây giờ là cần có hộ chiếu vaccine điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do cho những người đã được tiêm chủng trong và ngoài nước", ông Alain Cany cho biết.

Để có thể nhanh chóng khôi phục sản xuất, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, đã đưa ra một số đề xuất với Chính phủ và các cơ quản quản lý gồm: 1) Ưu tiên tiêm phòng đầy đủ cho tất cả công nhân và nhà thầu làm việc trong các nhà máy sản xuất đồ uống và thực phẩm thiết yếu; 2) Trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp trong việc áp dụng mô hình phòng chống Covid-19 tại các nhà máy dựa trên các hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế; 3) Các quy định liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương cần được đơn giản hóa và thống nhất với chỉ đạo từ Trung ương; và 4) Số hóa các thủ tục hành chính công nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc nộp và phê duyệt hồ sơ trực tuyến, đặc biệt trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội.