Thứ Ba | 13/08/2013 08:00

Doanh nghiệp cà phê báo cáo nợ xấu trước 15/8

Vicofa đang hoàn tất các báo cáo về tình hình nợ xấu lên Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành có liên quan.
Ngày 12/8, đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), thành viên Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) cho biết đang chuẩn bị báo cáo về tình hình kinh doanh trong ngành cà phê, nằm trong nhóm kinh doanh nông sản của tổng công ty, để gửi về hiệp hội.

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Vicofa cho biết, ngành cà phê trong năm qua gặp rất nhiều khó khăn, như giá cà phê giảm từ 2.400 đô la Mỹ/tấn xuống còn 1.800-1.900 đô la Mỹ/tấn, doanh nghiệp mua vào giá cao, bán ra giá thấp, nhiều khoản vay ngân hàng không thể trả được khi đến ngày đáo hạn vì kinh doanh thua lỗ… Ông Vinh cho biết Chính phủ và các bộ ngành có liên quan đã yêu cầu Vicofa có báo cáo chi tiết về tình hình để tìm hướng giải quyết trong thời gian tới.

Mọi năm, vào đầu mỗi niên vụ cà phê, Vicofa đều tập hợp báo cáo về những khó khắn các doanh nghiệp trong ngành đang gặp phải như khó khăn khi tiếp cận vốn hay vấn đề về lãi vay cao, cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để đề xuất Chính phủ có giải pháp hỗ trợ.

Tuy nhiên, đứng trước tình hình nợ xấu đặc biệt nghiêm trọng của ngành cà phê trong năm nay mà theo một báo cáo mới đây của Vicofa, nợ xấu, nợ quá hạn của các doanh nghiệp cà phê vay tại các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Phát triển Việt Nam hiện vào khoảng 6.330 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên hiệp hội đã yêu cầu các doanh nghiệp hội viên báo cáo gấp về tình hình nợ xấu và đề xuất hướng giải quyết để gỡ vướng cho doanh nghiệp.

Trước đó, nhiều tên tuổi lớn trong ngành như Tổng công ty Cà phê, Vinacafe Buôn Ma Thuột, tập đoàn Thái Hòa cùng rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lớn nhỏ ở nhiều tỉnh thành có hoạt động mua bán cà phê đã lâm vào tình cảnh kinh doanh đình đốn vì nợ xấu.

Khó khăn của các doanh nghiệp cà phê cũng làm cho hoạt động thu thuế tại nhiều tỉnh, đặc biệt là Đắk Lắk, nơi có sản lượng cà phê lớn nhất nước, bị ảnh hưởng mạnh.

Theo báo cáo của Cục thuế tỉnh Đắk Lắk, các cơ sở kinh doanh cà phê, nông sản đóng góp khoảng 30% tổng thu thuế, phí trên địa bàn, tương đương 1.000 tỉ đồng. Có những huyện, thị xã trọng điểm cà phê có số thu từ hoạt động kinh doanh nông sản này lên đến 80%. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong nhiều năm, 6 tháng đầu năm 2013, Đắk Lắk chỉ thu được 1.400 tỉ đồng, đạt 38% dự toán pháp lệnh, bằng 82% so với cùng kỳ.

Nguồn TBKTSG


Sự kiện