Dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 vào khoảng 5,5-6,5%. Ảnh: Quý Hòa.

 
Minh Anh Thứ Năm | 20/01/2022 14:29

Doanh nghiệp 2021 - 2022: Vận hạn và Tương lai

Theo đánh giá của ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, năm 2021 thị trường phục hồi dần và đến 2022 mới chính thức phục hồi.

Trong khuôn khổ sự kiện Vinh danh 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2020-2021 của Tạp chí Nhịp Cầu Đầu tư, ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị về thị trường năm 2021 và những dự báo cho 2022. Theo Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, năm 2021 thị trường phục hồi dần và đến 2022 mới chính thức phục hồi

Trong nguy có cơ

Trong bài chia sẻ “Doanh nghiệp 2021-2022: Vận hạn và Tương lai”, ông Thinh dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 vào khoảng 5,5-6,5%, có 3 động lực chính ảnh hưởng đến sự tăng trưởng: thứ nhất là tình hình tiêm mũi vaccine tăng cường, thứ 2 là khả năng phục hồi tại các thị trường lớn và thứ 3 là chính sách tài khóa tiền tệ.

Ảnh: Qúy Hòa.
Các doanh nghiệp vẫn duy trì và phục hồi sản xuất nhanh chóng, với chính sách thích ứng linh hoạt của chính phủ. Ảnh: Qúy Hòa.

Theo đó, chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ cho giai đoạn 2022 - 2023 (cập nhật 11/01/2022) cho thấy 3 vấn đề chính đang được thực thi. Đầu tiên là chi cho đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỉ đồng cho 2022 và 2023, ưu tiên hỗ trợ vay ưu đãi, nâng cao cơ sở hạ tầng y tế. Thứ 2 là giảm thuế suất GTGT cho nhiều hàng hóa dịch vụ từ 10% thành 8% trong 2022. Thứ 3 là tiếp tục cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay từ 0,5 - 1% trong năm 2022 và 2023.

Nhìn vào tình hình xuất nhập khẩu của năm 2021 có thể thấy các con số khả quan, xuất khẩu đạt 336,25 tỉ USD, tăng 19%, nhập khẩu đạt 332,25 tỉ USD, tăng 26.5%. Tình hình xuất nhập khẩu thời gian tới đang có nhiều dấu hiệu tích cực với tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 của Việt Nam tăng cao, trong top 6 thế giới, tỉ lệ trên 92,4%, 2 mũi từ 18 tuổi. Các doanh nghiệp vẫn duy trì và phục hồi sản xuất nhanh chóng, với chính sách thích ứng linh hoạt của chính phủ. Xuất nhập khẩu năm 2021 được tác động tích cực của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA): RCEP, EVFTA, …

Tái thiết tương lai

Chia sẻ góc nhìn về tương lai, ông Thinh cho rằng doanh nghiệp đối mặt với 3 khó khăn chính là tác động từ thị trường, đứt gãy chuỗi cung ứng và đối mặt với tình hình chi phí sản xuất kinh doanh. Nhưng ngược lại, doanh nghiệp có thể thích ứng và chấp nhận những cơ hội mới, áp dụng chuyển đổi số và biết quản trị doanh nghiệp rủi ro một cách hiệu quả…thì sẽ có nhiều thay đổi mới và thích ứng được với những thay đổi của thị trường.

Dùng câu nói của tác giả Henry Kissinger "Thách thức lịch sử đối với các nhà lãnh đạo là quản lý cuộc khủng hoảng trong khi xây dựng tương lai.", ông Thinh đưa ra các xu hướng dự kiến sau khi kinh tế được tái thiết.

Cụ thể, dịch COVID-19 sẽ có thể kết thúc vào giữa hoặc cuối năm 2022. Mức độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ đi kèm với đó là những ảnh hưởng của lực lượng lao động khi tình hình kinh doanh sản xuất được phục hồi, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phương án phát triển bền vững với những cam kết giảm lượng khí thải ra môi trường và cuối cùng là cẩn trọng với những rủi ro có thể xảy ra liên quan đến vấn đề an ninh mạng, thông tin bảo mật trong quá trình chuyển đổi số.

Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư công bố danh sách và vinh danh Top 50