Doanh nghiệp 100% Nhà nước phải liên danh khi tham gia dự án PPP
Ngày 25/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan đầu mối tham mưu Chính phủ xây dựng khung chính sách về đầu tư nói chung và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nói riêng tổ chức Hội nghị giới thiệu Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP được Chính phủ ban hành ngày 14/2/2015, có hiệu lực từ 10/4/2015.
Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch và đầu tư đã định nghĩa về các dự án PPP là các dự án mà Nhà nước phải làm nhưng không đủ tiềm lực kinh tế để thực hiện và "mời gọi" nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư.
Bên cạnh 3 loại hợp đồng BOT, BT và BTO, Nghị định 15 đã bổ sung một số loại hợp đồng mới như hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO), kinh doanh và quản lý (O&M), xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BTL) và xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT).
Trong đó, có thể phân chia thành hai nhóm hợp đồng cơ bản. Thứ nhất là nhóm hợp đồng mà nhà đầu tư tổ chức thu phí trực tiếp của người sử dụng hoặc tạo doanh thu thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhóm hợp đồng này có cụm từ "kinh doanh" trong tên gọi. Thứ hai là nhóm hợp đồng mà nguồn thu của nhà đầu tư được hình thành từ những khoản thanh toán nhiều lần của cơ quan nhà nước. Việc thanh toán phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ mà nhà đầu tư cung cấp, trường hợp không đạt chất lượng đã cam kết, số tiền thanh toán được giảm tương ứng.
Điểm đổi mới nổi bật của Nghị định PPP là yêu cầu dự án phải thực hiện nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư bài bản trước khi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Quá trình nghiên cứu trải qua hai giai đoạn rõ nét là đề xuất dự án để đánh giá tính phủ hợp với hình thức đầu tư PPP; lập báo cáo nghiên cứu khả thi để đưa ra những giải pháp cụ thể cho quá trình triển khai.
Về lĩnh vực đầu tư, ông Hoàng Ngọc Phương Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị định mới quy định một số lĩnh vực được đánh giá là có khả năng thu hút đầu tư xã hội hóa, có những lĩnh vực trước đây còn bỏ ngỏ như nông nghiệp, phát triển nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nghĩa trang, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và các dịch vụ…
Nghị định 15 cũng xác định rõ vai trò của Nhà nước và hình thành đầu mối thực hiện. Theo đó, Nhà nước là một bên, một đối tác của hợp đồng, Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư. Trong nhiều trường hợp, quá trình đối tác lâu dài yêu cầu chia sẻ rủi ro một cách hài hòa.
Với nhiệm vụ xây dựng kế cấu hạ tầng làm nền tảng cho phát triển, Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm soát vê chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư trong mối tương quan với khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp - bên chịu chi phí cuối cùng trong dự án đầu tư PPP.
Để thực hiện đúng vai trò của Nhà nước, Nghị định quy định rõ các đầu mối triển khai PPP với đơn vị đứng đầu là Ban chỉ đạo nhà nước về PPP với chức năng điều phối liên ngành, đảm bảo khả năng xử lý hiệu quả, đúng cấp đối với các vấn đề trong hoạt động đầu tư này. Đồng thời, các bộ, ngành và địa phương cần phân công đầu mối quản lý hoạt động PPP hoặc hình thành bộ phận chuyên trách.
Ông Hoàng Mạnh Phương cho biết, để tránh việc sử dụng vốn Nhà nước một cách tràn lan, Nghị định mới quy định cụ thể việc sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước trong thực hiện dự án. Theo đó, vốn Nhà nước được dùng để góp vốn hỗ trợ xây dựng công trình đối với dự án kinh doanh, thu phí từ người sử dụng nhưng khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận; Thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện hợp đồng BTL, BLT; Hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Doanh nghiệp Nhà nước chỉ được tham gia vào các dự án PPP khi liên danh cùng đơn vị tư nhân...
So với thông lệ quốc tế là chỉ thực hiện dự án PPP có quy mô lớn, Nghị định 15 bổ sung mô hình dự án PPP quy mô nhỏ, được xác định là dự án nhóm C theo phân loại của Luật đầu tư công.
Việc quy định này là phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, với đặc thù tổng mức đầu tư nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng dân cư đồng thời phát huy được sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước. Để tạo tính linh hoạt, Nghị định 15 quy định thủ tục rút gọn đối với loại dự án này như không phải thực hiện các bước như lập báo cáo nghiên cứu khả thi, không phải thành lập doanh nghiệp dự án và không cần thực hiện thủ tục cấp giấy đăng ký đầu tư.
Nguồn DVO