Nhà sản xuất phim Minh Đô góp ý, TP.HCM cần có các cuộc họp công khai lắng nghe đề xuất của giới làm phim để xây phim trường cho đúng.
Đoạn trường phim trường
Tại Tuần lễ Phim quốc tế lần thứ nhất tại TP.HCM (HIFF) mới đây, trong phiên thảo luận “Đối thoại giữa TP.HCM và các nhà làm phim”, lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin cho biết thành phố đang có định hướng xây dựng các trung tâm phức hợp, phim trường. Trong đó, bán đảo Thanh Đa được lựa chọn trở thành trung tâm phim trường lớn của TP.HCM.
Nhu cầu cấp thiết
Lâu nay, các nhà sản xuất phim chọn bối cảnh tại TP.HCM thường chỉ biết trông cậy vào các phim trường Hòa Phú của HTV ở Củ Chi, lâu đài Long Island ở quận 9, CineV ở Thủ Đức... còn bất cập hoặc quá xa hoặc chưa đủ quy mô. Đây là một thực tế khó chấp nhận khi TP.HCM được biết đến là thị trường điện ảnh sôi động, đóng góp lớn cho doanh thu của các phòng vé Việt Nam với con số gần 3.700 tỉ đồng năm 2023.
Nhà sản xuất phim Đỗ Quang Minh, giới làm phim quen gọi Minh Đô, từng phải bỏ tiền túi xây dựng phim trường cho bộ phim Giấc Mơ Của Mẹ tại huyện Nhà Bè. Năm 2010, khi anh hợp tác với hãng phim Galaxy sản xuất phim Mỹ Nhân Kế, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng yêu cầu một ngoại cảnh xứng tầm trong khi kinh phí phim chỉ có mười mấy tỉ đồng. Minh Đô phải họp bàn với lãnh đạo Galaxy tăng kinh phí cho bối cảnh, đồng thời phải cân nhắc tiết kiệm các chi phí còn lại để bù đắp. Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Phương Điền cũng kể đoàn phim của anh rất gian nan với bối cảnh quay chính ở tận Ninh Thuận, phụ thuộc vào thời tiết mưa nắng bất thường, làm chậm tiến độ quay.
Do vậy, những người như nhà sản xuất Minh Đô hay đạo diễn Phương Điền rất ủng hộ chủ trương xây dựng một phim trường hiện đại, quy mô. Theo đó, nếu TP.HCM có phim trường phù hợp sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí, thời gian công sức, đồng thời chất lượng diễn xuất và hiệu ứng hình ảnh của bộ phim cũng tốt hơn. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng bày tỏ sự ủng hộ việc xây dựng phim trường thành phố ở bán đảo Thanh Đa vì 2 lý do: Thứ nhất, quy mô đủ đáp ứng những cảnh quay ngoại cảnh hoành tráng, như những tòa nhà thời Pháp, bến cảng, đường đủ để 2 xe hơi, xe ngựa chạy song song thoải mái... Thứ 2, vị trí bán đảo Thanh Đa đủ gần trung tâm thành phố, thuận lợi để đoàn phim di chuyển. Cũng theo đạo diễn này, ở đây cũng ít có đường máy bay băng ngang sẽ thuận lợi ghi hình thu tiếng trực tiếp mà không bị gián đoạn.
Hiện nay, đa số các phim trường đều xây dựng tạm bợ vì đa phần không có định hướng khai thác lâu dài. Phim trường CineV tại thành phố Thủ Đức rộng 6.000 m2 được xem là phim trường lớn nhất nhì TP.HCM hiện nay. Các phim điện ảnh ăn khách như Nhà Bà Nữ, Em Và Trịnh, Chị Chị Em Em 2, Đất Rừng Phương Nam... đều có nhiều bối cảnh được quay tại đây. Trong khi đó, cả Việt Nam mỗi năm chỉ sản xuất 20-30 phim nên xây phim trường làm sao cho hiệu quả là một bài toán không đơn giản.
Bài toán kinh tế
Đây là lý do mà dù được đưa ra bàn thảo nhiều năm nhưng các dự án phim trường quy mô vẫn chưa thể xuất hiện. Trước đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng tính xây phim trường quốc gia ở Nha Trang để tận dụng cảnh quan thiên nhiên đẹp sẵn có, nhưng lại quá xa Hà Nội và TP.HCM. Phim trường quốc gia ở quận 9 (TP.HCM) nằm trong dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc, nhưng chậm triển khai vì vướng khâu đền bù giải tỏa. Hay dự án phim trường Happy Land 400 triệu USD của Tập đoàn Khang Thông tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An sau thời gian công bố rầm rộ cũng im hơi lặng tiếng.
Trước cơn khát thiếu phim trường kéo dài nhiều thập niên, thành phố đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư trên lĩnh vực văn hóa, có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách quy hoạch, bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng tổ hợp vui chơi, giải trí, phim trường đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Nhà sản xuất phim Minh Đô góp ý, TP.HCM cần có các cuộc họp công khai lắng nghe đề xuất của giới làm phim để xây phim trường cho đúng. Trong đó, cần nhận thấy tầm quan trọng của các nhà sản xuất, cần chú trọng tiếng nói của họ. “Chúng tôi mới là những người nắm rõ nhất phải mất bao nhiêu tiền cho các bối cảnh, chọn bối cảnh thế nào để vừa phù hợp kinh phí vừa đáp ứng yêu cầu chất lượng của bộ phim”, ông Minh Đô nói.
Nhà sản xuất phim Lê Thị Kiều Nhi, đồng sáng lập phim trường CineV, cùng đạo diễn Văn Công Viễn cho rằng phim trường là mô hình kinh doanh rất đặc thù, cần được quản lý bởi những người có am hiểu, có chuyên môn trong lĩnh vực phim ảnh. Chưa kể người thiết kế phim trường cũng phải là người trong ngành, mới hiểu đầy đủ nhu cầu thực tế mà ngành công nghiệp điện ảnh cần gì.
Bà Kiều Nhi cũng cho biết nếu chỉ trông chờ vào các đoàn phim thuê bối cảnh thì doanh thu không đủ bù chi phí, cho nên cần thiết phải kết hợp với các mảng kinh doanh khác như các buổi học ngoại khóa cho học sinh sinh viên, đón các tour khách tham quan du lịch... như mô hình các phim trường ở Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc đang làm.
Nhiều năm qua, ngoài phim trường phục vụ các nhà sản xuất phim trong nước, điện ảnh Việt Nam cũng loay hoay trong việc thu hút các đơn vị sản xuất phim quốc tế lựa chọn để ghi hình và sản xuất phim. Ngoài hạn chế về phim trường còn những rào cản liên quan đến chính sách thuế, cấp phép...
Quay trở lại phim trường trong nước, quy trình chính quyền thành phố cấp thủ tục cho phép quay tại phim trường cũng là mối quan tâm lẫn e dè của giới làm phim. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết, tiến độ sản xuất phim luôn phải gấp rút, tính từng ngày từng giờ, nếu bối cảnh quay được sắp xếp chậm trễ thì sẽ gây thiệt hại lớn cho đoàn phim. Anh mong muốn phim trường của TP.HCM đơn giản khâu cấp phép thủ tục sao cho vừa đơn giản vừa nhanh chóng trong một buổi, một ngày.